Ngày 30.9, Tổng cục Thống kê đánh giá một số điểm nổi bật về tình hình lao động việc làm quý 3 và 9 tháng năm 2023 như: số người có việc làm quý 3/2023 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm 2022; lao động phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn; thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng; việc cắt giảm lao động “giảm nhiệt”…
So với cùng kỳ năm trước, quý 3/2023, thu nhập bình quân của người lao động tăng tại tất cả các vùng kinh tế – xã hội của cả nước, trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng có tốc độ tăng cao nhất, cụ thể là 8,4 triệu đồng, tăng 6,1% (tương ứng tăng 485.000 đồng) so với cùng kỳ năm trước.
Thu nhập bình quân tháng của người lao động tại vùng Đông Nam bộ là 8,8 triệu đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong các vùng của cả nước. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động làm việc tại TP.HCM là 9,3 triệu đồng, tăng 0,6% (tăng 56.000 đồng) so với cùng kỳ năm 2022 và tại Đồng Nai là 8,7 triệu đồng, tăng 1,8% (tăng 155.000 đồng).
Theo đó, đời sống của người lao động quý 3/2023 được cải thiện chậm trong khi quý 3/2022 chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ, đời sống của người lao động được cải thiện đáng kể với tốc độ tăng thu nhập bình quân của người lao động lên hơn 30% so với quý 3/2021.
Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở ĐBSCL và Đông Nam bộ
Về tỷ lệ lao động thất nghiệp, theo Tổng cục Thống kê, quý 3/2023, vùng ĐBSCL và vùng Đông Nam bộ là hai vùng có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cao nhất cả nước, tương ứng là 2,87% và 3,08%.
TP.HCM với tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý này là 3,69%, giảm 0,02 điểm phần trăm so với quý trước, trong khi ở TP.Hà Nội, tỷ lệ này là 0,97%, giảm 0,26 điểm phần trăm.
Tổng cục Thống kê cũng thông tin theo báo cáo nhanh từ các địa phương cho biết số lao động nghỉ giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong quý 3/2023 là hơn 54.000 người, giảm hơn 187.000 người so với quý 2/2023 (hơn 241.000 người). Trong đó chiếm đa số là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 66,3% tổng số lao động nghỉ giãn việc), chủ yếu ở ngành da giày (chiếm 31,9%), tiếp theo là dệt may (chiếm 30,9%).
Số lao động bị mất việc trong quý 3/2023 là hơn 118.000 người, giảm hơn 99.000 người so với quý trước (hơn 217.000 người). Trong đó, tập trung chủ yếu ở các lao động thuộc các ngành dệt may, da giày và chủ yếu tập trung ở hai tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ là Bình Dương (khoảng 33.600 người) và TP.HCM (khoảng 34.600 người).
Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho hay từ đầu năm đến nay, TP.HCM đã ban hành 112.067 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tổng số 166.266 hồ sơ đề nghị. Con số này khi so với cùng kỳ năm ngoái tăng 10.323 trường hợp (tăng 9,74%). Việc các doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, Công ty TNHH dệt Đông Minh cắt giảm hàng ngàn lao động cho thấy tình hình lao động – việc làm ở TP.HCM vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Trong thời gian tới, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM tiếp tục tập trung nắm tình hình lao động – việc làm tại các doanh nghiệp, kết nối cung – cầu lao động, tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến để tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, phát triển mạng lưới thông tin việc làm cho người lao động.
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h