Chiều 28.7, Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ cùng các lãnh đạo QH, Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN chủ trì Diễn đàn Người lao động (NLĐ) năm 2023 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến NLĐ và tổ chức công đoàn”.
Phát biểu gợi mở, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là diễn đàn đặc biệt khi lần đầu tiên diễn ra, và lại được tổ chức ngay tại Hội trường Diên Hồng (Nhà QH) – nơi diễn ra các kỳ họp của QH. Diễn đàn lần này là một cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt để QH, đại biểu QH (ĐBQH), cũng như các bộ, ngành lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân, viên chức, NLĐ, đại diện cho hơn 50 triệu NLĐ trong cả nước…
QUAN TÂM NHÀ Ở CHO người lao động
Tại diễn đàn, nhiều vấn đề liên quan tới những khó khăn, vướng mắc về lao động, việc làm, thu nhập và đời sống của NLĐ đã được các ĐB nêu ra.
Ông Nguyễn Việt Anh (công đoàn viên Tổng công ty CP bưu chính Viettel) phản ánh tình trạng công nhân phải thuê nhà ở chật hẹp, không đảm bảo an toàn. “Nhiều gia đình công nhân, con thì nằm trên giường, bố mẹ nằm dưới sàn, vỏn vẹn 10 m2. Nhiều gia đình đông con, 4 – 5 người ở trong phòng. Có NLĐ sắp đến ngày sinh nhưng chủ trọ đòi nhà…”, ông Việt Anh nói và cho biết rất mong QH, Chính phủ quan tâm đến nhà ở cho công nhân.
Ông Nguyễn Minh Sơn (Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH SWCC SHOWA VN) phản ánh mức lãi suất rất cao và thực tế công nhân lao động chưa tiếp cận được nguồn vốn từ gói 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội. Ông Sơn đề nghị QH giám sát, Chính phủ có giải pháp giúp NLĐ tiếp cận nguồn vốn.
Được Chủ tịch QH chỉ định trả lời, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết thực hiện đề án 1 triệu căn hộ cho NLĐ có thu nhập thấp, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương, đồng thời có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho công nhân.
Đề nghị các cơ quan thực hiện nghiêm túc những vấn đề đã trao đổi, thống nhất tại diễn đàn, tổ chức giám sát việc thực hiện. Bảo đảm các kiến nghị về quyền, lợi ích chính đáng của công nhân, NLĐ phải được giải quyết triệt để.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Theo ông Sinh, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực triển khai gói 120.000 tỉ đồng để các chủ đầu tư hỗ trợ cho đối tượng có thể mua được nhà ở xã hội, công nhân trong khu công nghiệp, với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 1,5 – 2%. Thời gian vay với chủ đầu tư là 3 năm, đối với người mua nhà là 5 năm. “Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước đã có hướng dẫn hỗ trợ, giải đáp, ngân hàng thương mại cũng tích cực triển khai gói này”, ông Sinh nói.
Trong khi đó, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH, cho hay một trong những nội dung quan trọng được quy định trong dự thảo luật Nhà ở sửa đổi đang trình QH là những ưu đãi, hỗ trợ đầu tư để đẩy mạnh nhà ở xã hội và lưu trú cho công nhân. Theo ông Tùng, dự thảo luật đã đề ra nhiều chính sách hỗ trợ, như: quy định địa phương phải dành quỹ đất phù hợp để phát triển nhà ở xã hội; có chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng để nhiều chủ đầu tư quan tâm tới nhà ở xã hội… NLĐ cũng được hưởng các gói hỗ trợ về lãi suất để tiếp cận nhà ở xã hội.
Tại diễn đàn, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ, Phó chủ tịch thường trực QH Trần Thanh Mẫn đã tặng quà cho 20 công đoàn viên, NLĐ xuất sắc trong cả nước. Chủ tịch QH có những món quà thể hiện sự quan tâm sâu sắc, cảm thông, chia sẻ tới 30 công đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Cũng tại diễn đàn, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo QH, Tổng LĐLĐ VN đã tham gia lễ phát động “Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc” năm 2023.
Đối với nhà lưu trú cho công nhân, ông Tùng cho biết đây được coi là thiết chế quan trọng của khu công nghiệp. Theo đó, chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng sẽ đầu tư nhà lưu trú công nhân, sau đó cho công nhân thuê với mức giá ưu đãi để giải quyết chỗ ở cho công nhân ngay trong khu công nghiệp. Các chủ đầu tư xây nhà lưu trú cho công nhân cũng được hưởng chính sách tương tự như xây dựng nhà ở xã hội. Theo ông Tùng, Ủy ban Pháp luật QH đang phối hợp với Bộ Xây dựng tiếp thu các ý kiến ĐBQH, Tổng LĐLĐ VN, các doanh nghiệp… để hoàn thiện cơ chế, chính sách, sau đó sẽ trình QH thông qua luật này ở kỳ họp thứ 6 (tháng 10.2023).
Nói thêm về vấn đề nhà ở cho NLĐ, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết khi sửa luật Nhà ở, ĐBQH cho rằng cần quan tâm cả hình thức mua và cho thuê nhà ở xã hội. Riêng nhà ở trong khu công nghiệp chủ yếu là cho thuê mua (trả góp) giải quyết cả sở hữu và chỗ ở. “Với Tổng LĐLĐ VN thì Chính phủ đang trình là một chủ thể xây dựng nhà ở xã hội, nhưng vấn đề này liên quan đến nhiều luật nên ý kiến còn khác nhau, QH sẽ tiếp tục xem xét”, Chủ tịch QH nói.
LO LẮNG TRƯỚC TÌNH TRẠNG DOANH NGHIỆP NỢ BHXH
Liên quan tới vấn đề Bảo hiểm xã hội (BHXH), ông Đinh Sỹ Phúc (Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Taekwang Vina, Đồng Nai) phản ánh về lo lắng quyền lợi NLĐ có xu hướng giảm qua những lần luật BHXH sửa đổi. Ông đề nghị QH nghiên cứu, ban hành các quy định để không làm suy giảm quyền lợi của NLĐ. Tương tự, bà Lê Thị Hà (Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty may Minh Anh, Nghệ An) cho hay công nhân, NLĐ bức xúc trước tình trạng nợ BHXH của nhiều doanh nghiệp khiến hàng trăm nghìn NLĐ lao đao, có gia đình lâm vào cảnh khốn cùng và đây cũng là lý do nhiều người mất niềm tin, muốn rút BHXH một lần để lo cuộc sống trước mắt.
Trong khi đó, chị Đặng Hồng Thêm (công nhân Công ty CP môi trường và dịch vụ đô thị Sơn La) phản ánh tình trạng nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) kết dư quỹ lớn nhưng chế độ trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ còn thấp so với mức lương tối thiểu. Chị Thêm đề nghị QH xem xét sửa luật theo hướng giảm mức đóng BHTN cho NLĐ; mở rộng đối tượng tham gia BHTN; tăng quyền lợi cho NLĐ…
Giải đáp các kiến nghị của NLĐ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết việc sửa đổi luật BHXH lần này tập trung chỉnh sửa, điều chỉnh những vấn đề bất cập, mở theo hướng phát triển BHXH và tăng quyền lợi cho NLĐ. Việc sửa luật phải làm sao để hạn chế tối đa việc rút BHXH một lần, vừa đảm bảo ổn định an sinh xã hội vì BHXH là một trong 2 trụ cột căn bản nhất của an sinh xã hội. “Phải đảm bảo NLĐ có thể không cần rút BHXH một lần nhưng vẫn có chính sách khác bù lại”, ông Dung nói.
Giải quyết triệt để lợi ích chính đáng của người lao động
Phát biểu kết luận diễn đàn, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ khẳng định, các ý kiến của công nhân, viên chức, NLĐ tại diễn đàn phản ánh sát đúng thực tiễn tình hình, đời sống, việc làm, tâm tư, tình cảm, mối quan tâm của NLĐ cả nước. Cùng đó là những bất cập trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật khiến công đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động còn băn khoăn, bức xúc.
Khái quát lại các vấn đề được các đại biểu nêu ra tại diễn đàn, Chủ tịch QH cho rằng thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống của công nhân, viên chức, lao động đã được cải thiện đáng kể. Dù vậy, một bộ phận công nhân, viên chức, NLĐ vẫn còn nhiều khó khăn.
Cạnh đó, hệ thống pháp luật liên quan đến NLĐ và tổ chức công đoàn đã không ngừng được hoàn thiện, song vẫn còn không ít các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, chưa sát thực tiễn. Việc thực thi pháp luật ở một số nơi chưa nghiêm, còn xảy ra vi phạm.
“Thay mặt Ủy ban Thường vụ QH và cơ quan tổ chức diễn đàn, chúng tôi ghi nhận và cảm ơn các ý kiến, đồng thời cũng bày tỏ sự chia sẻ, cảm thông sâu sắc với những khó khăn vất vả anh chị em lao động trong cuộc sống lao động sản xuất hằng ngày”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch QH, tại diễn đàn, với hơn 20 ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các đại biểu, cơ bản đã được các cơ quan, bộ, ngành của QH, Chính phủ và Tổng LĐLĐ VN trả lời. Chủ tịch QH cho biết trên cơ sở kết quả diễn đàn, Tổng thư ký QH sẽ phối hợp với Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐ VN xây dựng báo cáo cụ thể gửi tới Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ để triển khai thực hiện các nội dung đã được thống nhất tại diễn đàn.
Với hơn 4.500 ý kiến thuộc 45 nhóm vấn đề lớn được Tổng LĐLĐ VN tổng hợp gửi tới QH, các cơ quan QH, bộ, ngành sẽ tiếp tục tổng hợp, tiếp thu giải quyết. “Đề nghị các cơ quan thực hiện nghiêm túc những vấn đề đã trao đổi, thống nhất tại diễn đàn, tổ chức giám sát việc thực hiện. Bảo đảm các kiến nghị về quyền, lợi ích chính đáng của công nhân, NLĐ phải được giải quyết triệt để”, Chủ tịch QH lưu ý.
Chủ tịch QH cho hay ngày 23.8 tới, tại TP.Hải Phòng, QH sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai các luật, nghị quyết của QH từ đầu nhiệm kỳ khóa XV tới nay. “Đây là quyết tâm của QH, Ủy ban Thường vụ QH nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ trong việc xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật, để mỗi chính sách, pháp luật nói chung và các chính sách, pháp luật liên quan đến NLĐ nói riêng sẽ thực sự đi vào cuộc sống, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ, qua đó, củng cố niềm tin và tạo động lực cho NLĐ yên tâm lao động, sản xuất”, Chủ tịch QH nói.
Khẳng định QH, ĐBQH sẵn sàng lắng nghe, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của công nhân, viên chức, NLĐ, Chủ tịch QH gợi ý diễn đàn có thể tổ chức định kỳ hằng năm hoặc vài năm một lần. Cùng đó, đổi mới và cải tiến để diễn đàn ngày càng thiết thực, hiệu quả.
“Chúng tôi đặc biệt mong muốn lắng nghe những ý kiến tâm huyết đóng góp vào những công việc trọng đại chung của đất nước để hướng tới thực hiện khát vọng VN hùng cường. Đây là mục tiêu rất lớn nhưng không phải không làm được và để đạt được mục tiêu này rất cần sự đóng góp của đội ngũ 52 triệu NLĐ trên cả nước”, Chủ tịch QH nói.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vào việc tập trung khắc phục tình trạng chậm đóng, trốn đóng và nợ đóng BHXH. Với hơn 200.000 lao động bị nợ đóng, chậm đóng BHXH, ông cho hay đang phối hợp với đơn vị bảo hiểm xử lý. Với nội dung về BHTN, Bộ trưởng Dung cho biết Bộ LĐ-TB-XH xác định BHXH là “bà đỡ” cho thị trường lao động. Hiện, kết dư của quỹ đang ở mức an toàn. Theo ông Dung, trước đó Quỹ BHTN có khoảng 100.000 tỉ đồng và đã được sử dụng 41.000 tỉ đồng trực tiếp hỗ trợ NLĐ.
Chị H’Chuyên Niê (công nhân Công ty CP cao su Đắk Lắk, tỉnh Đắk Lắk) bày tỏ lo lắng trước tình trạng lương chưa tăng thì giá cả đã tăng, mức lương tối thiểu chưa đáp ứng mức sống tối thiểu của NLĐ; lương của phần lớn công chức, viên chức còn cách xa so với nhu cầu cuộc sống cơ bản. Chị đề nghị có giải pháp tiếp tục cải thiện lương cho công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và mức lương tối thiểu vùng cho NLĐ.
Trong khi đó, chị Vi Thị Huyền (Công ty TNHH KSD tỉnh Thái Nguyên) lại trăn trở khi đời sống tinh thần của công nhân lao động còn nghèo nàn và đề nghị QH có giải pháp đảm bảo hạ tầng xã hội, trong đó có các thiết chế văn hóa, thể thao cho công nhân…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, trong 3 năm dịch Covid-19, khu vực công nhân, viên chức không được tăng lương nhưng đối tượng là công nhân, NLĐ vẫn được tăng lương tối thiểu vùng. Ngày 8.8 tới, Bộ LĐ-TB-XH sẽ họp Hội đồng tiền lương quốc gia cùng với các cơ quan liên quan để tính toán có điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng vào năm 2023 hay không? Nếu điều chỉnh thì điều chỉnh như thế nào?
Thông tin thêm, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết Nghị quyết kỳ họp thứ 5, QH khóa XV đã giao Chính phủ báo cáo lộ trình cải cách tiền lương bao gồm khu vực công và khu vực tư tại kỳ họp thứ 6 diễn ra tháng 10 tới để xem xét lộ trình, cân đối nguồn lực. Khi chưa cải cách tiền lương, Chủ tịch QH nhấn mạnh, sẽ xem xét điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu vùng dựa trên nguyên tắc bảo đảm mức sống tối thiểu của bản thân, chỉ số lạm phát…
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h