

Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
by admin
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
by admin
Mới đây, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một lao động Việt mồ hôi nhễ nhại, rưng rưng nước mắt khi cố ăn hộp cơm trong công trường xây dựng, khiến cư dân mạng không khỏi xót xa.
Nam lao động Việt ăn cơm chan mồ hôi, nước mắt trong công trường ở Đài Loan khiến nhiều người xót xa (Ảnh cắt từ clip: Nhân vật cung cấp).
Chủ nhân đoạn clip, anh Thanh Tuấn (28 tuổi, quê tại Hà Tĩnh), cho hay nam lao động trong clip là đồng nghiệp làm việc cùng công trường tại Đài Loan (Trung Quốc) với anh. Vì công việc quá vất vả, đồng nghiệp đã không kiềm được nước mắt khi cố nuốt miếng cơm trong giờ nghỉ trưa.
Anh Tuấn bộc bạch đã sang Đài Loan làm việc hơn 2 năm. Hằng ngày, cả nhóm phải làm việc từ 8 đến 12 tiếng, dù mưa hay nắng thì vẫn phải làm.
“Công việc ở công trường lúc nào cũng nặng nhọc. Hầu như các công nhân phải dãi nắng, dầm mưa, khiêng những vật rất nặng. Vì thế, sau một thời gian làm việc, sức khỏe của tôi bị ảnh hưởng không ít. Mưu sinh thì ai cũng vất vả cả nhưng muốn cuộc sống đủ đầy thì phải chấp nhận và cố gắng”, anh Tuấn chia sẻ.
Chàng trai cho hay dù công việc vất vả, đời sống ở nước ngoài khó khăn, anh vẫn cảm thấy hạnh phúc khi vẫn còn khả năng làm ra tiền, nuôi sống bản thân và gia đình. Mỗi tháng, nam lao động Việt có thể kiếm 55-60 triệu đồng.
Trước đó, mạng xã hội cũng xuất hiện đoạn clip một nam lao động Việt ăn cơm chan nước lạnh trong công trường tại Đài Loan.
Anh Bang (23 tuổi, quê tại Hà Tĩnh), chủ nhân đoạn clip, cho hay anh là nhân vật trong đoạn clip nói trên. Mỗi ngày, Bang phải làm việc ít nhất 8 tiếng. Hôm nào nhiều việc, phải đến 20h nam công nhân mới về đến nhà. Công việc ở công trường vất vả, luôn phải làm ngoài trời.
Vào mùa đông, thời tiết tương đối dễ chịu. Nhưng mùa hè nắng gắt, Bang và các đồng nghiệp đẫm mồ hôi cả ngày, da đen nhẻm.
“Nhiều lúc mệt đến mức không nuốt nổi cơm, tôi phải chan nước lạnh vào cho trôi rồi nhanh chóng trở lại công việc”, chàng trai nói.
Dưới phần bình luận của các đoạn clip, nhiều lao động Việt đang làm việc ở nước ngoài và cả trong nước đều bày tỏ sự đồng cảm đối với hai nam lao động nói trên. Ngoài ra, không ít người có người thân làm việc ở nước ngoài cũng tỏ ra xót xa trước hình ảnh này.
“Bố tôi từng là công nhân làm ở công trường tại Đài Loan. Mỗi lần bố gửi tiền về, tôi lại khóc khi nghĩ đến cảnh bố đã vất vả như thế nào mới có số tiền này. Khi xem clip này, tôi càng nhớ đến công lao của bố và biết ơn bố hơn”, tài khoản T.H. bình luận.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
by admin
Chiều 15/8, tại trụ sở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp tân Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng gửi lời chúc mừng ông Ito Naoki được Chính phủ Nhật Bản bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam. Đặc biệt, sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện trong dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2023.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp tân Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki (Ảnh: Tống Giáp).
“Chưa bao giờ quan hệ Việt – Nhật tốt đẹp như hiện nay. Do đó, tôi tin tưởng, ngài sẽ có một nhiệm kỳ thành công tại Việt Nam”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ.
Nhân dịp này, Đại sứ Ito Naoki gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia quyến, Đảng và nhân dân Việt Nam về sự ra đi của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chia sẻ với lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Đại sứ Ito Naoki cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đánh giá, đất nước Đông Nam Á này có tiềm năng phát triển kinh tế rất lớn, đặc biệt tiềm năng phát triển nhân lực chất lượng cao.
Ông Ito Naoki nêu thông tin hiện có khoảng 570.000 người Việt sinh sống, làm việc tại Nhật Bản. Việt Nam cũng là quốc gia đứng đầu trong số 15 nước phái cử thực tập sinh, lao động sang Nhật.
“Số người Việt ở Nhật đã tăng gấp 3 lần, khoảng 570.000 người. Con số này có đóng góp rất lớn của Bộ trưởng”, Đại sứ Ito Naoki nói.
Thông tin với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, vị đại sứ Nhật cho biết, vừa qua, Chính phủ nước này thông qua chương trình mới thay thế cho chương trình thực tập sinh kỹ năng cũ.
Ông Ito Naoki vừa được Chính phủ Nhật Bản bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam (Ảnh: Tống Giáp).
Theo đó, chương trình mới sẽ ưu tiên bảo vệ quyền lợi người nước ngoài đang làm việc tại Nhật Bản, tạo cơ hội cho họ thăng tiến; lao động được chuyển chỗ làm việc theo mong muốn và nâng dần trình độ tiếng Nhật cho lao động nước ngoài.
“Tuy nhiên, chế độ mới đòi hỏi cao về trình độ tiếng Nhật. Do đó, tôi mong Bộ trưởng tiếp tục quan tâm tới vấn đề đào tạo nhân lực trước khi phái cử sang Nhật làm việc”, ông Ito Naoki nói.
Bên cạnh đó, Đại sứ Ito Naoki mong muốn, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ dự án “Hỗ trợ kết nối thông tin việc làm cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”, mà Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước đang triển khai.
Đề cập đến lĩnh vực kỹ năng đặc định, Đại sứ Ito Naoki cho biết, chương trình kỹ năng đặc định số 2 (Tokutei Gino 2) mới có 37 người thi đỗ, trong đó có 20 lao động Việt Nam. Do đó, phía Nhật Bản mong muốn hai nước thúc đẩy hợp tác hơn nữa để quảng bá chương trình này, nhằm thu hút người lao động.
Ngoài ra, theo Đại sứ Ito Naoki, hiện nay các cơ sở y tế của Nhật đang mong muốn tiếp nhận nhiều hơn điều dưỡng, hộ lý từ Việt Nam theo chương trình VJEPA – chương trình đưa điều dưỡng viên và hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản.
“Song, số lượng ứng viên tham gia chương trình chưa đáp ứng đủ nhu cầu, mặc dù phía Nhật Bản đã nới lỏng một số tiêu chí như giảm thời gian đào tạo tiếng Nhật xuống 3 tháng”, Đại sứ Ito Naoki mong muốn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung quan tâm, gia tăng số ứng viên điều dưỡng sang Nhật.
Cũng nhân cuộc gặp này, ông Ito Naoki đề cập mong muốn hai nước sớm thúc đẩy việc ký kết Hiệp định BHXH để nội dung này sớm đi vào thực tiễn.
Trước khi phúc đáp những ý kiến mà ông Ito Naoki nêu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cảm ơn lời chia buồn của vị Đại sứ về mất mát to lớn của Đảng, người dân Việt Nam trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo mẫu mực, để lại nhiều di sản to lớn cho Đảng, người dân Việt Nam. Ông là người góp phần quan trọng trong việc vun đắp, thúc đẩy quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản phát triển tốt đẹp như ngày nay”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng gửi lời cảm ơn Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam thời gian qua đã chủ động, tích cực, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH trong việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước trong lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và ông Ito Naoki trao đổi nhiều vấn đề hai bên quan tâm như Hiệp định BHXH, hợp tác về lao động… (Ảnh: Tống Giáp).
Bộ trưởng cho biết, ông đã tham dự nhiều diễn đàn ASEAN với các nước, nhưng Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN – Nhật Bản vào tháng 12/2023 để lại ấn tượng sâu sắc. Các hoạt động song phương với thông điệp và định hướng nhất quán, quan trọng “từ trái tim đến trái tim”, “từ hành động đến hành động”, “từ cảm xúc đến hiệu quả”.
Đặc biệt, trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Nhật Bản, lần đầu tiên, hai nước tổ chức Diễn đàn Hợp tác lao động Việt – Nhật và đi đến quyết định chọn ngày 16/12 hàng năm là Ngày lao động Việt Nam tại Nhật.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, ông đã dành thời gian trực tiếp tới thăm và kiểm tra nơi ăn, chốn ở, công việc và đời sống của lao động Việt Nam tại Nhật Bản. Trong đó, nhiều doanh nghiệp có tới 3/4 nhân sự là người Việt.
“Họ đều là những lao động có trình độ. Chỉ sau 2-3 tháng làm việc, các lao động hoàn toàn làm chủ công nghệ và được làm quản lý. Đó là điều rất mừng”, Bộ trưởng chia sẻ.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhiều chương trình, dự án mà Bộ LĐ-TB&XH đã và đang phối hợp với Nhật Bản như chương trình thực tập sinh kỹ năng, chương trình lao động kỹ năng đặc định, chương trình đưa điều dưỡng viên và hộ lý Việt Nam sang Nhật… đã có sự phát triển vượt bậc, đạt được nhiều kết quả tích cực.
“Năm 2016, mới có khoảng 200.000 người Việt Nam tại Nhật Bản, đến nay con số này tăng lên 570.000 người. Người Việt Nam có câu ‘đất lành, chim đậu’, điều đó cho thấy Nhật Bản là đất nước được nhiều lao động Việt Nam tin tưởng, lựa chọn để sinh sống, học tập và làm việc”, Bộ trưởng đánh giá.
Tại cuộc gặp, Bộ trưởng cũng gửi lời cảm ơn phía Nhật Bản đã hỗ trợ dự án “Hỗ trợ kết nối thông tin việc làm cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”. Ông tán thành với ý kiến của Đại sứ về việc thúc đẩy dự án về đích sớm.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề cập đến việc 2 bên đã phối hợp triển khai tốt kỳ thi đánh giá kỹ năng đặc định trong ngành hộ lý, nông nghiệp hồi tháng 4 vừa qua. Thời gian tới, hai bên sẽ phối hợp tổ chức thi đánh giá trong ngành lưu trú, khách sạn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hứa sẽ hỗ trợ Đại sứ Ito Naoki hoàn thành tốt nhất nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam (Ảnh: Tống Giáp).
Về hoạt động hợp tác phát triển nguồn nhân lực, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH nhấn mạnh, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng. Với quy mô dân số hơn 100 triệu dân, Việt Nam có tới 56 triệu người trong độ tuổi lao động.
“Đây là lợi thế vô cùng lớn. Hiện có nhiều quốc gia ‘đặt hàng’ Việt Nam cung cấp lượng lớn nhân lực. Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục quan tâm, thúc đẩy hợp tác với Nhật Bản về lao động để duy trì số lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản tương đương năm 2023”, Bộ trưởng nói.
Nhấn mạnh đến Hiệp định Bảo hiểm xã hội song phương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong hai bên thúc đẩy nhanh hơn việc ký kết, bởi lực lượng lao động Việt Nam và Nhật Bản rất lớn, không nên để người lao động phải đóng BHXH 2 lần, gây khó khăn cho người lao động hai nước.
Cũng theo lãnh đạo Bộ, trong bối cảnh đồng yên giảm sút nhưng người lao động vẫn lựa chọn Nhật Bản làm điểm đến. Điều đó thể hiện niềm tin của người lao động dành cho đất nước mặt trời mọc.
Vì vậy, Bộ trưởng đề xuất Chính phủ Nhật Bản mở thêm nhóm nghề kỹ năng đặc định tiếp nhận lao động Việt Nam trong lĩnh vực nhà hàng và sản xuất chế biến thực phẩm – hai lĩnh vực lợi thế của Việt Nam.
Cuối buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cam kết, cá nhân ông và Bộ LĐ-TB&XH sẽ hỗ trợ Đại sứ Ito Naoki hoàn thành tốt nhất nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
by admin
Câu hỏi “ngoài chương trình”
Ngày 6/4/2013, anh Đoàn Văn Lý, công nhân Công ty Cổ phần Than Núi Béo là một trong 5 công nhân được trực tiếp gặp gỡ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến vị lãnh đạo cao nhất làm việc với cán bộ, người lao động Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.
Hơn 10 năm trôi qua, anh Lý vẫn không quên cảm giác bồi hồi, tự hào khi lần đầu tiên được gặp Tổng Bí thư.
Chương trình hôm đó có sự tham dự của đại diện công nhân Công ty Than Núi Béo và Công ty Than Hòn Gai. Tuy nhiên, do thời gian không nhiều, nên ban tổ chức bố trí một công nhân Công ty Than Hòn Gai phát biểu.
Tổng Bí thư gặp gỡ cán bộ công nhân viên ngành than (Ảnh: NVCC).
Anh Lý cho biết, sau khi công nhân này phát biểu xong, Tổng Bí thư bất ngờ nói ông muốn nghe thêm ý kiến của công nhân Công ty Than Núi Béo.
“Lúc đó, chúng tôi cũng ngạc nhiên vì kịch bản chương trình không bố trí thời lượng cho công nhân công ty Than Núi Béo không phát biểu nên không ai có sự chuẩn bị từ trước”, anh Lý chia sẻ.
Trước câu hỏi “ngoài chương trình” đó, anh Lý đặc biệt xúc động vì hiểu rằng Tổng Bí thư rất quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của công nhân ngành than. Chính vì vậy, dù chưa có sự chuẩn bị trước, anh Lý đã lấy hết can đảm, hít một hơi thật sâu để mạnh dạn giơ tay xin có ý kiến.
Công nhân Đoàn Văn Lý nhớ lại: “Lúc đó, tôi có chia sẻ là mong muốn Tổng Bí thư quan tâm đến ngành than hơn nữa, thực sự tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của công nhân thợ mỏ.
Đặc biệt, tôi nêu ý kiến Tổng Bí thư tạo điều kiện để dự án hầm lò của Công ty Than Núi Béo triển khai thành công. Bởi đây là dự án đầu tiên của công ty chuyển từ khai thác lộ thiên sang khai thác hầm lò lúc bấy giờ”.
Sau khi kết thúc phần chia sẻ diễn ra trong ít phút ngắn ngủi, trong lòng nam công nhân cảm thấy rất vinh dự khi được gặp lại là người đã trực tiếp đối thoại với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đáp lại nguyện vọng của anh Lý, Tổng Bí thư khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện để mỏ than Núi Béo hoàn thành dự án đó. Và đến nay, dự án của công ty đã vận hành rất tốt.
Thời điểm được gặp Tổng Bí thư, anh Lý đã làm việc 10 năm tại Công ty Than Núi Béo, ở vị trí Tổ trưởng tổ sửa chữa cơ, phân xưởng sửa chữa máy mỏ.
Vốn làm công việc nặng nhọc, độc hại, công nhân ngành than như anh Lý càng thêm xúc động khi được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp đến thăm hỏi và động viên anh em công nhân sản xuất.
Công nhân Đoàn Văn Lý (Ảnh: NVCC).
“Cảm nhận của tôi về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm là sự gần gũi, giản dị. Khi bước vào hội trường, bác Trọng cười tươi, trìu mến với mọi người, bàn tay nhỏ nhắn, ấm áp nắm chặt, lời động viên anh em cố gắng hoàn thành nhiệm vụ rất chân thành”, anh Lý chia sẻ.
Vừa qua, do đặc thù công việc, anh Lý đã chuyển sang làm việc cho Công ty Cổ phần Than Hà Tu. Song những kỷ niệm lần đầu tiên được gặp Tổng Bí thư luôn được anh khắc cốt ghi tâm.
Dù thường xuyên xem báo đài, biết được sức khỏe của Tổng Bí thư thời gian qua không được tốt. Song, khi nghe thông báo Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng từ trần, anh Đoàn Văn Lý vẫn cảm thấy hụt hẫng.
Bởi ngoài là đoàn viên công đoàn, anh còn là Đảng viên, có cảm nhận sâu đậm về đồng chí với người lãnh đạo cao nhất của Đảng. Anh Lý cho biết, một trái tim lớn ngừng đập không chỉ là tổn thất của riêng ai, mà của toàn dân tộc.
Kỷ niệm khó phai giữa công trường ngổn ngang
Chị Hoàng Thị Hiền, nhân viên Phòng Tổ chức nhân sự, Công ty Cổ phần Than Núi Béo vẫn tự hào khi mình là một trong số nữ nhân viên ít ỏi của công ty được gặp trực tiếp Tổng Bí thư trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Quảng Ninh.
23 năm gắn bó với công ty từ khi ra trường, chị Hiền vẫn cho rằng đây là sự kiện ý nghĩa và tự hào với bản thân trong những năm tháng làm thợ mỏ.
Chị Hiền vinh dự được gặp trực tiếp Tổng Bí thư (Ảnh: NVCC).
“Tôi nhớ như in ngày hôm đó, Tổng Bí thư đi kiểm tra công tác hoàn nguyên môi trường tại công ty, khảo sát khu vực tháp giếng dự án khai thác hầm lò mỏ than Núi Béo và thăm, động viên rất nhiều cán bộ, công nhân viên”, chị Hiền chia sẻ.
Thời điểm Tổng Bí thư lên thăm, nhân viên phòng tổ chức nhân sự cho biết, Than Núi Béo đang thực hiện chuyển đổi từ mô hình khai thác than lộ thiên sang hầm lò. Khai trường mỏ Núi Béo như một đại công trường lớn.
Trên công trường bụi bặm ấy, Tổng Bí thư đã bắt tay, động viên cán bộ, kỹ sư, công nhân trong đơn vị nỗ lực vượt bậc trong sản xuất, kinh doanh. Chị Hiền tả, Tổng Bí thư mặc trang phục giản dị, luôn cười rất hiền, thân thiện.
Do số lượng công nhân, lao động lớn, chị Hiền cho biết, ông chỉ có thể trò chuyện, bắt tay rất nhanh.
Thứ để lại, nhắc nhớ là cây đa Tổng Bí thư trồng lưu niệm năm xưa trong khuôn viên công ty đang phát triển xanh tốt, nhắc nhở cán bộ, công nhân luôn quan tâm đến bảo vệ môi trường, gìn giữ cảnh quan nơi làm việc.
Đây là một trong 3 chuyến thăm, làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tỉnh Quảng Ninh. Qua đó, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Tổng Bí thư đến công nhân ngành than nói riêng và công nhân, lao động nói chung.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
by admin
Thông tin này được đưa ra tại hội thảo về thúc đẩy hợp tác lao động và chuẩn bị cho Diễn đàn Việt Nam – Đức về di cư lao động, do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động và Xã hội Liên bang Đức đồng tổ chức, chiều 18/7.
Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Đức, hai Bộ Lao động của hai nước đã ký kết Tuyên bố chung về Ý định liên quan đến hợp tác trong lĩnh vực di cư lao động. Tuyên bố này đánh dấu một cột mốc quan trọng, tạo ra một khuôn khổ hợp tác mới, giúp đáp ứng nhu cầu lao động của cả hai bên.
Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam tham gia thảo luận với Bộ Lao động và Xã hội Cộng hòa Liên bang Đức (Ảnh: Trung Kiên).
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết để triển khai Tuyên bố chung của Bộ trưởng, hai bên cần tăng cường các cơ chế trao đổi thông tin; tăng cường các nỗ lực hợp tác thực chất, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai quốc gia. Vì vậy, hai bên đã thống nhất tổ chức Diễn đàn Lao động Việt Nam – Cộng hòa Liên bang Đức tại Berlin.
“Tôi tin tưởng rằng với sự nỗ lực của cả hai bên, hợp tác lao động giữa Việt Nam và Đức sẽ ngày càng phát triển, góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai quốc gia”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan phát biểu.
Theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, diễn đàn được tổ chức sẽ là một bước quan trọng chuẩn bị cho việc tổ chức các sự kiện hợp tác trong lĩnh vực lao động với quy mô và tầm vóc lớn hơn trong dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Đức vào năm 2025.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan (Ảnh: Trung Kiên).
Bà Leonie Gebers, Quốc vụ khanh Bộ Lao động và Xã hội Cộng hòa Liên bang Đức, bày tỏ sự hài lòng về kết quả hợp tác lao động giữa hai nước trong những năm qua.
Đặc biệt, bà Leonie Gebers đánh giá cao chất lượng của lao động Việt Nam về ý thức học tập, nâng cao trình độ và khả năng hòa nhập của người lao động Việt tại Đức.
“Người Việt Nam tại Đức không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế mà còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội của địa phương”, bà Leonie Gebers chia sẻ.
Bà Leonie Gebers cũng nhấn mạnh rằng Tuyên bố chung đã mở ra một chương mới trong hợp tác lao động giữa hai nước và đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của mối quan hệ đối tác này.
Việc tổ chức Diễn đàn Lao động Việt Nam – Đức tại Berlin được kỳ vọng sẽ là một bước đệm quan trọng để thúc đẩy hợp tác lao động giữa hai nước.
Đức là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới, với mức sống cao và môi trường làm việc chuyên nghiệp. Do đó, việc mở rộng hợp tác lao động với Đức được xem là một cơ hội lớn để người lao động Việt Nam nâng cao thu nhập, kỹ năng và mở rộng tầm nhìn.
Tuy nhiên, đại diện hai Bộ cho rằng, để hợp tác lao động giữa hai nước đạt được hiệu quả cao, vẫn còn nhiều thách thức cần phải vượt qua như sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, trình độ chuyên môn và các quy định pháp luật.
Để giải quyết những thách thức này, hai bên cần tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như đào tạo nghề, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ người lao động thích nghi với môi trường làm việc mới.
Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chủ động tìm hiểu thông tin về thị trường lao động Đức và xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của các nhà tuyển dụng Đức.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
☀ 100% thông tin việc làm được xác thực và kiểm duyệt chặt chẽ
☀ Kết nối nhanh với nhà tuyển dụng, tìm kiếm việc làm dễ dàng
☀ Công cụ hỗ trợ đầy đủ với nhiều mẫu CV đẹp mắt, thông báo việc làm tiện lợi
☀ Tổng đài tư vấn dành riêng cho Người tìm việc
☀ Hàng triệu ứng viên chất lượng
☀ Thông tin hồ sơ ứng viên được kiểm duyệt chặt chẽ, phân loại xác thực theo số điện thoại
☀ Cam kết với chế độ bảo hành chất lượng tuyển dụng
☀ Chăm sóc và tư vấn 1 - 1 với chuyên viên tư vấn
Điền Email mai của bạn để nhận thông báo Việc Làm mới nhất từ Website của chúng tôi