Ngày 27/9, theo nguồn tin của phóng viên Dân trí, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau vừa truy tố Quách Thanh Tuấn (40 tuổi), Dương Hoàng Giang (55 tuổi, cùng ngụ tỉnh Cà Mau), Nguyễn Văn Công (49 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu), Nguyễn Văn Phu (46 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) cùng về tội Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép.
Theo Viện kiểm sát, ngày 8/7, lực lượng cảnh sát biển tuần tra trên vùng biển Việt Nam đã phát hiện một tàu cá có biểu hiện nghi vấn nên tiến hành kiểm tra. Lúc này, trên tàu cá có 13 ngư phủ, không có thiết bị giám sát hành trình, có giấy tờ bằng tiếng nước ngoài,…
Qua điều tra, tàu cá này có hành trình đi từ vùng biển Malaysia về vùng biển Việt Nam. Từ đây, lộ ra một đường dây tổ chức, môi giới cho ngư phủ trốn đi nước ngoài để đánh bắt hải sản.
“Biến hóa” tàu cá
Theo thông tin ban đầu, năm 2023, Quách Thanh Tuấn móc nối với một người tên Salam (sinh sống ở Malaysia) để hợp thức hóa hồ sơ tàu cá của Việt Nam thành tàu cá của Malaysia. Chi phí cho việc này khoảng 380 triệu đồng.
Salam hướng dẫn Tuấn sửa chữa lại tàu cá CM-92365-TS (do Tuấn làm chủ) như: Lắp thêm cẩu chữ “Y” phía trước; khung chữ “A” 2 bên tàu gần sau lái; đổi hộp số lớn; thay chân vịt, mua sắm ngư lưới cụ phù hợp với giấy tờ tàu cá Malaysia;…
Đặc biệt, khi tàu cá đến vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam – Malaysia thì sơn lại cabin tàu từ màu xám thành màu đỏ sọc trắng; đổi biển số tàu CM-92365-TS thành biển số tàu KNF6649 để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng phía Malaysia.
Sau khi được chỉ dẫn như trên, Tuấn giao cho Nguyễn Văn Công (làm nhiệm vụ thuyền trưởng khi đánh bắt hải sản ở vùng biển Malaysia) tìm 3 ngư phủ không cần giấy tờ tùy thân và 4 ngư phủ có hộ chiếu để xuất cảnh bằng đường hàng không qua Malaysia.
Tuấn thỏa thuận với Dương Hoàng Giang điều khiển tàu cá CM-92365-TS chở 3 ngư phủ không có giấy tờ đi từ vùng biển Việt Nam qua vùng biển Malaysia để giao lại cho Công quản lý. Giang sẽ được Tuấn trả công 10 triệu đồng.
Tối 10/8/2023, khi tàu ra cửa biển Sông Đốc (Cà Mau), Giang kêu 3 ngư phủ tháo bỏ thiết bị giám sát hành trình rồi chạy đến vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam – Malaysia. Nhóm này tiến hành sơn lại cabin, đổi biển số tàu CM-92365-TS thành tàu KNF6649 và chạy đến neo đậu ở cảng Đỏ của Malaysia.
4 ngư phủ có hộ chiếu còn lại được Tuấn đưa đến sân bay Tân Sơn Nhất xuất cảnh qua Malaysia để đánh bắt hải sản trên tàu cá KNF6649.
Nhiều lần bán hải sản ở 2 nước
Nhóm của Tuấn cùng thỏa thuận khi đánh bắt hải sản ở vùng biển Malaysia là sau khi trừ tất cả các chi phí, sản lượng hải sản thu hoạch được chia theo tỷ lệ chủ tàu hưởng 60%. 40% còn lại thì tài công được hưởng nhiều hơn, sau đó đến máy trưởng, kỹ thuật và ngư phủ làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít.
Giữa tháng 12/2023, có 5 ngư phủ không làm nữa nên quá giang (đi nhờ) tàu khác về Việt Nam. Lúc này do thiếu người nên Công yêu cầu Tuấn tìm 5 ngư phủ khác thay thế.
Tuấn liên hệ với Nguyễn Văn Phu tìm 5 ngư phủ không cần giấy tờ. Các ngư phủ này được Tuấn gửi ghe cào ra điểm hẹn để Công đón trốn sang Malaysia đánh bắt hải sản.
Trong quá trình đi đánh bắt, một ngư phủ bị cá đâm nhiễm trùng nên Công gửi người này qua tàu khác vào đất liền. Sau đó, Công tìm một ngư phủ thay thế. Tuấn cũng tìm thêm 2 ngư phủ khác qua Malaysia tham gia đánh bắt.
Đến ngày 8/7, tàu cá KNF6649 (lúc này đang ở vùng biển Việt Nam và gắn biển số khác là CM-91148-TS) bán hải sản cho tàu ở Việt Nam, chưa chạy về vùng biển Malaysia đánh bắt tiếp thì bị cảnh sát biển kiểm tra, phát hiện vi phạm và tạm giữ.
Qua điều tra, tàu cá của Tuấn từ khi đi đánh bắt đến khi bị cảnh sát biển phát hiện đã bán hải sản 21 lần ở Malaysia và 4 lần ở Việt Nam.
Cứ mỗi lần tàu chạy từ vùng biển Malaysia đến khu vực giáp ranh với Việt Nam thì Công chỉ đạo ngư phủ sơn lại cabin tàu, thay đổi biển số KNF6649 thành biển số CM-91148-TS để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng Việt Nam.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm