Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội mới có tờ trình gửi Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2016/NĐ-CP và Nghị định số 52/2016/NĐ-CP. Tờ trình nêu rõ, với quy định hiện hành, tiền lương của người quản lý doanh nghiệp Nhà nước được xác định dựa trên mức lương cơ bản theo 6 hạng doanh nghiệp (thấp nhất 16 triệu đồng, cao nhất 36 triệu đồng) và hệ số tăng thêm gắn với lợi nhuận, tối đa không quá 2 lần mức lương cơ bản (Chủ tịch tập đoàn tối đa 72 triệu đồng/tháng).
Trường hợp lợi nhuận vượt kế hoạch thì được tăng thêm tối đa 20% tiền lương, trong đó, Chủ tịch tập đoàn tối đa 86,4 triệu đồng/tháng.
Sau gần 7 năm thực hiện Nghị định 51, cơ chế tiền lương hiện hành đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thiết lập thang giá trị lao động, tiền lương ổn định, cải thiện tăng từ 8% đến 10%/năm.
Cụ thể năm 2022, tiền lương bình quân người lao động đạt 10-12 triệu đồng/tháng, trong đó tập đoàn, tổng công ty đạt 17-18 triệu/tháng. Lương lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước bình quân đạt khoảng 40 triệu đồng/tháng, ở một số tập đoàn, tổng công ty cũng chỉ đạt 60-70 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cơ chế quản lý tiền lương hiện hành đang phát sinh nhiều bất cập như tiền lương trả cho người quản lý còn thấp so với mặt bằng tiền lương trên thị trường và có sự chênh lệch với các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối…
Nhằm tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, thu hẹp khoảng cách tiền lương của doanh nghiệp có vốn góp chi phối của nhà nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2016/NĐ-CP, số 52/2016/NĐ-CP.
Về thang lương, bảng lương, dự thảo Nghị định quy định giao quyền cho doanh nghiệp xây dựng, ban hành thang, bảng lương nhưng tăng cường quản lý, giám sát của đại diện chủ cơ sở.
Về tiền lương của người quản lý, dự thảo Nghị định quy định hệ số tăng thêm so với mức lương cơ bản để tính quỹ lương của người quản lý theo hướng giữ nguyên mức lương cơ bản theo hạng (thấp nhất 16 triệu đồng, cao nhất 36 triệu đồng); giữ nguyên hệ số tăng thêm 0,5; 1 và điều kiện về lợi nhuận, nhưng bổ sung hệ số tăng thêm 1,5; 2; 2,5 để khuyến khích các công ty có quy mô lợi nhuận lớn.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm