Nằm uốn mình bên dòng sông Lam, rừng bần có chiều dài khoảng 4km, từ xã Hưng Hòa (thành phố Vinh) đến địa phận huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Chỗ rộng nhất của rừng bần khoảng 1km, nơi hẹp nhất 300m.
Rừng bần là một quần thể rừng ngập mặn độc đáo, ngoài việc ngăn chặn tình trạng xói lở, đây còn là hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động vật dưới nước có giá trị cao về dinh dưỡng và kinh tế như cá bống, cá dĩa, tôm, cua, sò…
Nhiều năm nay, “săn” đặc sản dưới cánh rừng ngập mặn là sinh kế của chị Trần Thị Lành (45 tuổi, trú xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc). Thời gian bắt đầu công việc của chị Lành tùy thuộc vào thời điểm nước rút.
“Chúng tôi bắt cua cá bằng tay chứ không dùng lưới, ngư cụ khác. Khi nước rút, trên mặt bùn hay các vũng nhỏ, cua cá mắc kẹt lại nên dễ bắt hơn”, chị Lành cho biết.
Tuy nhiên, dưới bùn có nhiều mối nguy cơ, để tránh bị đá, mảnh chai, mảnh sành cứa vào chân, chị Lành đi 5 đôi tất, kéo dài tới đầu gối. Việc đi tất giúp họ dễ di chuyển trên bùn nhão hơn là ủng nhựa.
Bắt ngao mật có lẽ là công việc đỡ vất vả hơn so với việc bắt các loài thủy sản khác ở rừng ngập mặn. Ngao mật thường ẩn mình dưới hang hoặc dưới các phiến đá. Chỉ bằng chiếc liềm hoặc thanh sắt và kinh nghiệm nhìn mặt bùn để xác định vị trí của ngao là có thể bắt được.
Ngao mật to cỡ nửa lòng bàn tay, thịt dày, ngọt, được thị trường khá ưa chuộng. Với chiếc giỏ tre và túi cước, chị Lành bắt cả ngao, cá bống và cua. Công việc của chị Lành kéo dài từ sáng đến tầm 14h hàng ngày. Trung bình mỗi ngày chị có thể kiếm được 200.000-300.000 đồng, hôm nào may mắn có thể lên tới nửa triệu đồng.
“Công việc này vất vả, lưng cúi rạp trên bùn, dưới nắng như “đổ lửa”. Người nào chịu khó, chịu khổ được thì thu nhập cũng ổn định”, chị Lành cho biết.
So với bắt ốc, cua, bắt cá bống vất vả hơn. Đặc điểm địa hình khiến việc đánh bắt cá bằng ngư cụ khó khăn, cách duy nhất là dùng tay tóm, bắt cá dưới các vũng nước. Công việc vất vả, lấm lem nên hầu hết chỉ có phụ nữ trên 40 tuổi tham gia.
Những người phụ nữ đằm mình dưới làn nước đục ngầu, di chuyển một cách chậm rãi, dùng chính đôi tay của mình để bắt những con cá bống hay cua, tôm.
Bà Hợi, hơn 70 tuổi, bắt cá bống ở khu vực rừng bần giáp giữa xã Hưng Hòa (thành phố Vinh) và Nghi Thái (Nghi Lộc) từ thủa 17. Với chiếc nón, khăn trùm đầu chống nắng, bà Hợi ngậm chiếc giỏ tre vào miệng, ngâm hẳn mình dưới nước để mò cá bống.
Bằng kỹ năng đặc biệt được rèn luyện hàng chục năm trời, dù dưới dòng nước đục và bùn nhão, những người phụ nữ nơi đây vẫn bắt sống được những chú cá bống. Loài đặc sản này là mặt hàng có giá trị cao, được người dân ưa chuộng, nhiều khi vừa lên khỏi mặt nước đã có khách đợi sẵn để mua.
Ngâm nước suốt nửa ngày, da tay bà Hợi nhăn nheo. Việc ngâm mình dưới nước đục thời gian dài khiến những phụ nữ như bà Hợi phải đối mặt với nhiều nguy cơ viêm nhiễm nhưng ở tuổi này, họ ít có sự lựa chọn khác để mưu sinh.
“Hôm nào nhiều thì bán, cũng được đôi ba trăm nghìn. Còn nếu ít thì để lại ăn, đỡ phải đi chợ”, bà Hợi nói.
Gần nửa ngày mưu sinh dưới làn nước đục, thành quả của bà Hợi là khoảng hơn 1kg cá bống và cua. Mớ thủy sản này được bà Hợi bán cho một người đàn ông khi vừa lên bờ với giá 200.000 đồng.
Trong khi đó, vợ chồng chị Nguyễn Ngọc Bích, anh Nguyễn Văn Sang lại chọn nghề bắt cá nâu giống (hay còn gọi là cá dĩa) ở khu vực rừng bần. Vợ chồng chị Bích rời nhà lúc 3h, với chiếc vợt, xô chứa nước và thùng xốp có sục khí oxy.
Để bắt được cá nâu giống, hai vợ chồng phải băng qua rừng bần, lội ra sát mép sông, dùng vợt cẩn thận vớt từng con cá bé cỡ hạt đậu đen.
“Bắt cá nâu giống phải kiên trì, nhẹ nhàng, “nâng như nâng trứng” nhưng bù lại cá được giá. Cá nâu giống này vợ chồng tôi nhập cho các cơ sở nuôi cá cảnh hoặc cho người dân nuôi cá thịt, cứ một con 500 đồng. Mùa này bắt cá giống, vài tháng nữa thì bắt cá nâu thịt. Cá thịt 200.000 đồng/kg, có bao nhiêu họ mua hết”, chị Bích chia sẻ nhưng không tiết lộ số tiền hai vợ chồng kiếm được từ công việc này.
Trong khi cánh phụ nữ lội bùn hay ngâm mình trong nước bắt các loài đặc sản bằng tay, cánh đàn ông chọn khu vực cống nước để quăng lưới bắt cá. Với mực nước cao hơn, chảy liên tục, khu vực cửa cống tập trung nhiều cá rô phi, cá gáy…
Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và sự đa dạng sinh học ở rừng ngập mặn này, người dân chủ yếu sử dụng công cụ đánh bắt thô sơ, không sử dụng kích điện, lưới bát quái để khai thác theo kiểu tận diệt.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm