Theo Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng, có 105 doanh nghiệp trên địa bàn chủ động tăng lương cho công nhân, lao động từ 1/1 thay vì chờ đến ngày 1/7, thời điểm dự kiến điều chỉnh lương tối thiểu vùng.
Đơn cử, Công ty TNHH Synztec Việt Nam (khu công nghiệp Nhật Bản – Hải Phòng) thông báo, từ ngày 1/1 đã tăng lương cho người lao động mức 270.000 đồng/người/tháng.
Đến nay, thu nhập trung bình của gần 1.000 lao động công ty là hơn 8 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, thống kê của Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng cho thấy, nhiều doanh nghiệp tăng lương với công nhân trực tiếp ở mức cao như Công ty TNHH Lihitlab Việt Nam (khu công nghiệp Nhật Bản – Hải Phòng) tăng 550.000 đồng/người/tháng; Công ty TNHH RRC (khu công nghiệp Nam Đình Vũ), Công ty SHINEC, Công ty Meihotech đều tăng ở mức 500.000 đồng/người/tháng…
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hải Phòng, tiền lương bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn năm 2023 đã cao hơn lương tối thiểu vùng, đạt mức bình quân 8,27 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, riêng người lao động khối FDI có lương bình quân 8,86 triệu đồng/người/tháng.
Sau Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Hosiden Việt Nam (khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) cho biết, số công nhân quay trở lại nhà máy đạt 95%.
Như thường lệ nhiều năm trước, công ty đều tăng lương cho người lao động căn cứ tình hình sản xuất, kinh doanh. Song năm 2024, ông Tân cho biết, đến thời điểm này vẫn chưa nhận được thông báo về việc trên.
Theo vị này, với tình trạng dư thừa nhân lực, sản xuất không mấy khởi sắc so với năm 2023, có lẽ công ty đang cân nhắc kĩ lưỡng về việc tăng lương hay không.
Theo báo cáo về tình hình quan hệ lao động trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, năm 2023, tiền lương bình quân của người lao động ước đạt 8,65 triệu đồng/tháng, tăng 5% so với năm 2022.
Theo đó, tiền lương của người lao động thuộc Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 9,8 triệu đồng/tháng, tăng 3% so với năm trước.
Tiền lương trong doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng tăng lần lượt 8%, 2,5% so với năm 2022.
Như vậy, tiền lương bình quân của người lao động đã vượt xa so với lương tối thiểu vùng cao nhất.
Mới đây, Hội đồng tiền lương quốc gia vừa chính thức khuyến nghị với Chính phủ xem xét điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 từ 1/7.
Mức tăng được hội đồng đề xuất là 6%, tương ứng tăng 200.000 đồng – 280.000 đồng.
Cụ thể, lương vùng 1 nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng 2 là 4,41 triệu; vùng 3 là 3,86 triệu và vùng 4 đạt 3,45 triệu đồng. Lương hiện hành các vùng đang dao động 3,25-4,68 triệu đồng.
Mức lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng 6% từ giữa năm 2024. Cụ thể, vùng 1 lên 23.800 đồng; vùng 2 lên 21.200 đồng; vùng 3 là 18.600 đồng; vùng 4 là 16.600 đồng.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm