Ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt hiện là vấn đề nhức nhối tại các khu vực nông thôn. Đặc biệt, rác thải hữu cơ và chất thải từ chăn nuôi chưa được xử lý đúng cách, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và mỹ quan.
Việc xử lý rơm, rạ bằng cách đốt bỏ ngay tại ruộng vẫn phổ biến, gây hại cho môi trường và cuộc sống người dân.
Trước thực trạng này, người dân huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An đã triển khai mô hình ủ, chế phân từ phân chuồng và rác thải hữu cơ. Mô hình này bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt, lượng phân chuồng và rác thải sinh hoạt giảm đáng kể, đồng thời cung cấp nguồn phân bón cho cây trồng.
Gia đình chị Hồ Thị Thoa là một trong những hộ tiên phong tham gia làm hố ủ phân hữu cơ tại chỗ.
Chị Thoa cho biết, việc sản xuất phân hữu cơ từ phân chuồng và rác thải sinh hoạt mang lại nhiều lợi ích như giảm chi phí trồng trọt, nâng cao năng suất, cải thiện độ màu mỡ của đất.
Sau khi được tập huấn kỹ thuật, chị Thoa đã đào một hố ủ phân và sử dụng thuốc vi sinh để thực hiện.
Gia đình chị tận dụng các loại rác thải hữu cơ như rau, vỏ trái cây, rơm, phân trâu để ủ phân. Mỗi mẻ ủ khoảng 1,5-2 tấn phân, sau 60 ngày có thể sử dụng.
“Nhờ cách làm này, lượng rác thải ra môi trường của gia đình tôi giảm hẳn, đồng thời nhà lại có nguồn phân bón hữu cơ giúp cây trồng phát triển tốt, cho giá trị cao và còn cải tạo được đất”, chị Thoa hào hứng.
Ông Hà Văn Liễu, một người dân khác, cũng cho biết, việc ủ phân hữu cơ giúp giảm lượng rác thải ra môi trường và tạo nguồn dinh dưỡng tốt cho cây trồng.
Ông Phan Thế Phương, Chủ tịch Hội nông dân huyện Nghĩa Đàn, cho biết mô hình ủ phân hữu cơ không chỉ bảo vệ môi trường mà còn giúp giảm chi phí phân bón, nâng cao năng suất cây trồng.
“Mô hình này tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng huyện Nghĩa Đàn sáng – xanh – sạch – đẹp”, ông Phương nhận định.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm