“Sáng làm văn phòng như nhau, tối về thấy đồng nghiệp livestream chốt đơn ầm ầm trên TikTok, nhiều lúc tôi cũng thấy tự ti, áp lực vì có đồng nghiệp là người nổi tiếng, đạt nhiều thành tích”, tâm sự của chị Trần Thị Thu Nhung (25 tuổi, TP.HCM).
Cảm thấy mình thua kém đồng nghiệp
Chị Thu Nhung kể, một đồng nghiệp của chị có “nghề tay trái” là sáng tạo nội dung trên mạng xã hội. Ngoài ngoại hình xinh đẹp khả ái, cô ấy còn có tài ăn nói, lanh lợi và rất có duyên.
“Cùng là đồng nghiệp với nhau, nhiều lúc tôi cũng thấy mình thua kém hơn rất nhiều. Trong khi tôi chỉ làm việc ở công ty ngày 8 tiếng thì đồng nghiệp còn tranh thủ thời gian buổi tối để quay video TikTok, nhận quảng cáo, bán quần áo online. Thu nhập của cô ấy mỗi tháng lên tới hàng chục triệu”, chị Nhung bộc bạch.
Trải qua một thời gian làm việc chung, ngoài cảm giác tự ti về bản thân, chị còn thấy áp lực từ nhiều phía. Một số đồng nghiệp khác trong công ty chị bắt đầu có xu hướng “chọn phe để chơi”, xu nịnh đồng nghiệp nổi tiếng.
“Vì có điều kiện nên bạn đồng nghiệp ấy hay khao chúng tôi trà chiều, hôm nào tụ tập bạn cùng dành trả tiền. Lâu lâu bạn cũng tặng chúng tôi một vài món quần áo, mỹ phẩm được các nhãn hàng tặng để dùng thử… Vì thế mà có một số người tỏ vẻ nịnh bợ người nổi tiếng, xa lánh những người bình thường như tôi, ngay cả sếp cũng có phần ưu ái hơn với những bạn có tiếng nói trên mạng xã hội”, chị Nhung nói.
Chị cho hay bản thân chị rất quý mến đồng nghiệp, không chỉ vì cô ấy nổi tiếng mà còn vì sự chăm chỉ, nỗ lực. Tuy nhiên, cá nhân chị không bằng lòng với cách cư xử của sếp và một số người xung quanh, vì đi làm thì ai cũng nên được đối xử công bằng. Nổi tiếng hay không là chuyện ở ngoài giờ làm việc, không được lấy đó làm yếu tố “phân biệt đối xử” với các đồng nghiệp khác trong công ty.
Trên mạng không giống ngoài đời?
Chị N.T.H (24 tuổi, TP.HCM), kể rằng trong công ty chị đang làm có một bạn khá nổi tiếng. Trên mạng, đồng nghiệp chị hay nói lời hay ý đẹp, truyền cảm hứng dậy sớm, đọc sách, xây dựng thói quen lành mạnh… Nhưng sự thật thì ở bên ngoài, bạn ấy cũng đi làm trễ, thức khuya, ăn uống không khoa học lắm, tính tình thì có phần cọc cằn, khó chịu hơn.
“Khi xem được những clip của bạn ấy, tôi cũng nhiều lần cảm thấy lấn cấn, khó chịu dù biết những nội dung đó mang tính tích cực, có lợi cho người xem. Trên mạng và ngoài đời, tôi cảm giác như mình đang tiếp xúc với hai con người hoàn toàn khác”, chị H. nói.
Lâu dần, khi đồng nghiệp chị có nhiều lượt theo dõi hơn, bạn cũng bắt đầu trở nên xa cách mọi người, sự tập trung trong công việc cũng không còn như trước.
“Nhiều lúc, tôi phải nhắc nhở vì bạn ấy không hoàn thành công việc đúng hạn, có việc cần gọi gấp bạn cũng không nghe máy vì lý do đang bận livestream. Tôi không can thiệp chuyện riêng tư của bạn, chỉ chia sẻ thẳng thắn rằng bạn nên hoàn thành nhiệm vụ của mình để tránh ảnh hưởng tới tiến độ công việc chung”, chị H khẳng định.
Đồng quan điểm, anh Trương Quang Anh (32 tuổi, TP.Đà Nẵng) cho biết, nếu có đồng nghiệp là người nổi tiếng, anh cũng sẽ rạch ròi trong phân chia công việc. Trên mạng và ngoài đời là hai chuyện khác nhau, nếu đã là trách nhiệm của mình thì nên hoàn thành đúng và đủ, tránh làm phiền người khác.
“Giả sử biết chuyện trên mạng và ngoài đời họ bộc lộ hai tính cách khác nhau, tôi cũng sẽ không xen vào. Thật lòng, nếu không sống ảo thì không phải là mạng xã hội nữa, bản thân tôi cũng thế thôi, lên mạng ai cũng muốn khoe cái tốt, che lấp cái xấu. Nhưng đã đến công ty thì ai cũng như nhau, đừng nên nghĩ bản thân hơn người khác vì sự nổi tiếng”, anh Anh nói.
Anh cũng chia sẻ thêm, được làm việc chung với các bạn nổi tiếng trên mạng xã hội cũng là cơ hội để học hỏi, mở rộng quan hệ kết nối. Chúng ta cũng có thể học hỏi từ các đồng nghiệp nổi tiếng cách xây dựng và duy trì thương hiệu cá nhân của họ, từ đó áp dụng cho chính mình.
Lao động – Tin Tức Việc làm