Làng homestay Nặm Đăm nằm ở thị trấn Tam Sơn (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang), đi từ quốc lộ 4C vào khoảng 2km. Người dân sinh sống nơi đây toàn bộ là người Dao Chàm, với tổng diện tích tự nhiên 458ha. Những năm gần đây, thôn trở thành điểm du lịch trải nghiệm thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Mô hình du lịch lưu trú tại nhà dân ở Nặm Đăm xây dựng thường là nhà sàn và các căn bungalow (một căn nhà có diện tích nhỏ gọn, kết cấu đơn giản nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ tiện nghi cho người sử dụng), được chú trọng về không gian và chi phí phù hợp.
Các ngôi nhà ở đây được làm bằng đất và gỗ tạp, kết hợp giữa kiểu nhà trình tường của người Hà Nhì ở Y Tý (Bát Xát, tỉnh Lào Cai) và nhà sàn của người Tày. Tường bao quanh nhà là những bờ giậu đan bằng tre, gỗ, vườn cây.
Gia đình anh Lý Tà Đành (27 tuổi) nằm trong số các hộ phát triển kinh tế nhờ kinh doanh homestay. Trước đó, nhà anh chủ yếu làm những công việc nông nghiệp. Cuối năm 2018, Nhà nước và UBND tỉnh Hà Giang thực hiện đẩy mạnh du lịch hóa địa phương và hỗ trợ 60 triệu đồng, khuyến khích người dân sửa chữa lại nhà truyền thống để kinh doanh dịch vụ lưu trú cộng đồng.
Du khách có thể nghỉ ngơi trong nhà trình tường của người Dao, tìm hiểu phong tục tập quán, sinh hoạt cùng người dân, thưởng thức những món ăn mang đậm truyền thống được chế biến từ nông sản thu hái trên rừng, dưới suối như măng chua, măng đắng, canh đắng, cơm lam, lợn rừng quay, gà đồi, rượu ngô…
Tốt nghiệp lớp 12, anh Đành đi làm thuê tại những điểm du lịch địa phương và trong nước. Anh tìm hiểu cách làm, quy trình tổ chức các hoạt động du lịch để du khách trải nghiệm, từ 2018 anh Đành bắt đầu xây dựng mô hình homestay ở chính căn nhà của gia đình.
“Thời điểm đầu, nhà tôi chỉ cải tạo được một căn nhà sàn. Khi lượng du khách tăng lên, tôi xây thêm một nhà sàn và 7 căn bungalow. Do kinh phí xây dựng không có nhiều, nên chủ yếu gia đình tự thi công, tôi cùng anh trai đắp đất làm vách tường. Có thêm không gian lưu trú, thu nhập nhà tôi cũng dần ổn định”, anh Lý Tà Đành cho biết.
Anh Đành luôn đề cao chất lượng trong dịch vụ nên homestay đón du khách đều đặn mỗi ngày. Bảo tồn không gian truyền thống người Dao và cảnh quan núi đồi tự nhiên đã trở thành hướng đi bền vững của thôn Nặm Đăm.
Kinh doanh homestay dần trở thành thu nhập chính của cả gia đình anh Đành. Lợi nhuận trung bình một năm của anh hơn 200 triệu đồng và mỗi năm đón khoảng 1.000 khách.
Chị Nguyễn Minh Anh (29 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Du lịch đến Hà Giang, làng Văn hóa du lịch cộng đồng Nặm Đăm là nơi dừng chân đầu tiên của tôi. Tôi rất thích thú và ấn tượng bởi những ngôi nhà trình tường của người Dao, những món ăn truyền thống mang đậm sắc màu văn hóa vùng cao và đặc biệt với trải nghiệm tắm nước lá tại đây. Nhất định tôi sẽ giới thiệu tới nhiều bạn bè”.
Hiện tôi và gia đình trực tiếp làm các công việc trong homestay, từ nấu ăn hay dọn dẹp, những thời gian cao điểm vẫn phải thuê thêm người hỗ trợ. Từ tháng 4 đến tháng 8 trong năm sẽ vắng khách, lúc đó tôi vẫn tiếp tục làm nông, chăn nuôi gia súc,…
Anh Phạm Đình Tứ (29 tuổi, kinh doanh dịch vụ du lịch), trong các tour dẫn khách trải nghiệm Hà Giang, anh thường xuyên sắp xếp dừng chân ở thôn Nặm Đăm.
“Cảnh vật, thiên nhiên nơi đây rất đẹp, còn giữ được nét nguyên sơ. Phù hợp với những khách yêu thích văn hóa và trải nghiệm”, anh Tứ chia sẻ.
Hiện toàn thôn có hơn 60 hộ dân với gần 300 khẩu và 26 hộ làm du lịch cộng đồng. Mức thu bình quân của các hộ làm du lịch cộng đồng đạt hơn 45 triệu đồng/năm. Trong đó, nhiều hộ phát triển có lợi nhuận mỗi năm từ trên 300 triệu đồng đến gần một tỷ đồng.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm