Sáng một ngày cuối tháng 5, vợ chồng ông Vũ Văn Phòng (61 tuổi, thôn Mỹ Điền, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) với gương mặt buồn rượi, khẩn trương thu dọn, vớt xác cá lăng nổi trắng ao nuôi sau một đêm gặp sự cố.
Lão nông cho biết, 6 tấn cá lăng này là tài sản cuối cùng của ông sau gần 30 năm làm trang trại chăn nuôi thủy sản.
“Rạng sáng 27/5, hệ thống quạt nước ở ao nuôi bị gãy cánh, cả đàn cá gần 6.000 con chết ngạt vì thiếu oxy. Khi tôi phát hiện ra, mọi chuyện đã quá muộn”, ông Phòng buồn rầu kể lại sự việc.
Vợ chồng ông Phòng từng có thời gian nổi tiếng ở địa phương về kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng, mang lại hiệu quả cao. Thậm chí, nhiều giới nuôi tôm còn ngả mũ thán phục vì ao nuôi tôm của ông thắng đậm suốt 7 mùa liên tục.
Nhưng vận đen đã khiến ông từ ông chủ đầm tôm trở thành “con nợ”. Khoảng vài năm trước, ao nuôi tôm của gia đình ông liên tục gặp sự cố khiến ông thua lỗ, nợ ngân hàng gần 4 tỷ đồng.
Thất bại vì tôm thẻ chân trắng, ông Phòng quyết không chịu lùi bước. Trong một lần tham quan mô hình nuôi cá lăng ở huyện Hà Trung (Thanh Hóa), thấy đây là mô hình dễ nuôi, chi phí thấp, mang lại hiệu quả kinh tế nên ông đã học tập và quyết định thử nghiệm.
Tháng 6/2023, ông cải tạo lại ao nuôi tôm, đầu tư hệ thống quạt nước, mở đường ống lấy nước ngọt cạnh con sông Lèn ở địa phương rồi đầu tư nuôi 6.000 con cá lăng.
“Sau vài tháng, đàn cá sinh trưởng tốt, lớn nhanh. Lúc đó tôi đã nghĩ đến việc sẽ thành công với mô hình nuôi cá lăng, sớm vực lại kinh tế để trả nợ. Nhưng ai ngờ chỉ một sự cố đã khiến đàn cá chết trắng ao”, ông Phòng nói.
Ông Phòng cho biết, lứa cá tại ao bị chết có trọng lượng 1,2-1,5kg/con. Ông ước lượng thiệt hại khoảng 6 tấn cá, thua lỗ gần 500 triệu đồng. Sau khi phát hiện đàn cá chết, vợ chồng ông Phòng khẩn trương vớt cá, ướp lạnh để bán hạ giá, nhưng bù lỗ chẳng được là bao.
Ngồi thẫn thờ, nhìn ao cá lăng hơn 3.000m2 thiệt hại nặng nề, bà Nguyễn Thị Thắm (vợ ông Phòng) chỉ biết tiếc nuối.
“Mới hôm trước, thấy đàn cá nhanh lớn và phát triển tốt, tôi tính cuối năm bảo chồng thu hoạch rồi mở rộng thêm mô hình này, nhưng chưa kịp thực hiện thì đã trắng tay. Giờ vợ chồng tôi chẳng biết xoay xở thế nào khi khoản nợ ngân hàng vẫn chưa trả hết”, bà Thắm than thở.
Ông Nguyễn Hải Năm, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, cho biết ông Phòng là người đầu tiên đưa mô hình cá lăng về nuôi ở vùng biển nơi đây. Tuy nhiên, do gặp sự cố nên mô hình của ông bị thua lỗ nặng.
“Nếu không gặp sự cố, mô hình của ông Phòng rất thành công. Sau khi biết tin, chúng tôi cũng đã ra trang trại, động viên gia đình. Hai ngày qua, người dân địa phương cũng chia sẻ câu chuyện của ông Phòng trên mạng xã hội để giúp ông “bán chạy” số cá còn lại, vớt vát được đồng nào hay đồng đó”, ông Năm chia sẻ.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm