Doanh nghiệp cả ngàn người, làm sao ủy quyền?
Ngày 17/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức hội thảo góp ý cho dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.
Nêu vấn đề, ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM, thông tin kỳ họp thứ 8 dự kiến sẽ thông qua 10 luật, trong đó có Luật Công đoàn sửa đổi. Tại kỳ họp thứ 7, Luật Công đoàn sửa đổi được các đại biểu góp ý sôi nổi, cơ quan soạn thảo đã có chỉnh sửa.
Ông Hà Phước Thắng đề nghị: “Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Luật Công đoàn nên đề nghị các ban ngành, đơn vị rà soát đầy đủ bản dự thảo đã đầy đủ, phù hợp chưa. Có góp ý gì mà bản chỉnh sửa chưa tiếp thu thì tiếp tục có ý kiến để Quốc hội xem xét trong kỳ họp sắp tới”.
Góp ý tại hội thảo, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, đề nghị xem xét các quy định để giúp hoạt động công đoàn được tốt hơn.
Ông lấy ví dụ về hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động là đoàn viên công đoàn hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là thủ tục đại diện cho người lao động khởi kiện doanh nghiệp ra tòa.
Ông Phạm Chí Tâm nêu quan điểm: “Đề nghị Đoàn ĐBQH TPHCM kiến nghị Quốc hội có quy định về thủ tục cho đơn giản. Hiện công đoàn muốn khởi kiện thì phải được tất cả đoàn viên ủy quyền nên rất khó khăn khi công ty có đông người lao động”.
Theo ông Phạm Chí Tâm, nên quy định tổ chức công đoàn là đại diện đương nhiên cho người lao động. Bởi người lao động là đoàn viên công đoàn, tức là thành viên của tổ chức công đoàn nên công đoàn có quyền đại diện đương nhiên để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trước tòa mà không cần làm thủ tục ủy quyền.
Đại diện LĐLĐ huyện Nhà Bè đồng tình với ý kiến của ông Phạm Chí Tâm. Theo đơn vị này, hiện có nhiều nhân viên của một siêu thị trên địa bàn liên tục đến LĐLĐ huyện Nhà Bè nhờ bảo vệ quyền lợi cho họ. Doanh nghiệp này nợ bảo hiểm xã hội của nhân viên đến 29 tháng. Họ sắp đóng cửa mà quyền lợi của người lao động không được giải quyết.
Vị này cho biết: “Giờ nhiều người nghỉ việc, đi làm việc khác tứ tán khắp nơi. Làm sao để tất cả người lao động ủy quyền cho công đoàn để khởi kiện doanh nghiệp được?”.
ĐBQH Trần Kim Yến cũng đồng tình với ý kiến quy định công đoàn là tổ chức đại diện đương nhiên cho người lao động, nên được quyền trực tiếp đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.
Bà cho rằng: “Nhiều lao động nữ đến ngày sinh mà không có bảo hiểm xã hội, 6 tháng thai sản không có gì cả thì rất khó khăn. Doanh nghiệp không nợ một người, họ nợ hàng loạt, doanh nghiệp cả ngàn người mà yêu cầu ủy quyền hết thì rất khó khăn, chưa kể phí ủy quyền cũng là một rào cản”.
Công đoàn “hổng chân” ở cấp cơ sở
Một vấn đề khác mà nhiều đại biểu góp ý là nên có quy định hoàn thiện mạng lưới cán bộ công đoàn đến cấp cơ sở (phường, xã, thị trấn). ĐBQH Trần Kim Yến cho rằng, hiện hệ thống chuyên trách của công đoàn chỉ đến cấp quận, huyện, cấp cơ sở chưa có cán bộ công đoàn chuyên trách.
Đại biểu LĐLĐ quận, huyện cũng đồng ý là cán bộ công đoàn ở cấp cơ sở chỉ là kiêm nhiệm nên còn hạn chế trong việc phối hợp làm việc.
Ông Đàm Trung Hiếu (Công đoàn cơ sở Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố) thì đề xuất quy định đơn vị, doanh nghiệp có trên 1.000 đoàn viên phải bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách.
Theo ông Hiếu, công đoàn đại diện người lao động đàm phán thang, bảng lương với chủ sử dụng lao động. Công đoàn cơ sở nếu có tiếng nói, tự lập về tài chính thì họ sẽ có ý kiến bảo vệ quyền lợi của người lao động mạnh mẽ hơn.
Ông Đàm Trung Hiếu: “Hiện cán bộ công đoàn cơ sở cũng do chủ doanh nghiệp trả lương thì dù gì họ cũng không thể mạnh mẽ phản đối ý kiến của chủ doanh nghiệp”.
Ông Phạm Chí Tâm cũng đánh giá, hệ thống công đoàn đang bị trống ở cấp cơ sở. Ông nói: “Qua dịch Covid-19, công đoàn thấy mình bị lơ lửng, hổng chân ở xã, phường. Khi nhà máy đóng cửa thì công nhân về nơi cư trú, nhà trọ. Khi có thông tin cần triển khai, muốn trao đổi với đoàn viên của mình thì công đoàn cấp trên phải thông qua địa phương, cán bộ mặt trận phường, xã…”.
Tuy nhiên, theo ông Tâm, để hình thành công đoàn cơ sở ở cấp xã hay không thì cần nghiên cứu thêm.
Bởi với hệ thống hiện nay, người lao động làm việc ở nhà máy, công ty, xí nghiệp, cơ quan… thì tham gia tổ chức công đoàn ở đơn vị. Những người làm việc tự do như chạy Grab, giúp việc nhà… thì cũng có tổ chức nghiệp đoàn.
Ông Phạm Chí Tâm cho rằng, hệ thống cán bộ công đoàn cơ sở là cần thiết nhưng mang tính thời điểm và hiện tại chưa cần thiết hình thành hệ thống này.
Mạng lưới mà ông Chí Tâm đề nghị nghiên cứu, hướng đến là các quy định để tập trung lực lượng lao động phi chính thức vào các tổ chức nghiệp đoàn. Bởi theo ông, tại TPHCM đang có hiện tượng một bộ phận lao động chính thức di chuyển sang khu vực phi chính thức, cần quan tâm để tập hợp, bảo vệ quyền lợi cho họ.
Ngoài ra, các đại biểu đề cập nhiều đến vấn đề trợ cấp cho cán bộ công đoàn tại các cơ quan, đoàn thể đang có sự bất cập, quá thấp so với các vị trí lãnh đạo đoàn thể khác.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng: “Quyền lợi của cán bộ công đoàn trong tổ chức chính trị hiện đã được quan tâm nhưng chưa đúng mức, cần xem xét đưa các nội dung vào luật để bảo vệ quyền lợi cán bộ công đoàn”.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm