2 tháng thất nghiệp dài như cả năm
Gần 10 ngày qua, Nguyễn Thị Quỳnh (21 tuổi, Yên Dũng, Bắc Giang) không lúc nào rời mắt khỏi chiếc điện thoại, cô đang chờ công ty thông báo lịch đi làm. 16 người cùng công ty lánh nạn tại thành phố Hakui, tỉnh Ishikawa, Quỳnh là người thứ 12 tìm được việc.
“Một công ty chế biến rong biển ở tỉnh Chiba đến tận nơi chúng tôi ở để phỏng vấn. Ngày 4/3 họ gọi báo tin tôi đã được nhận vào làm tại công ty, còn chị gái và 3 người khác vẫn chưa tìm được việc. Hai chị em tôi đi cùng đơn hàng, sang Nhật làm cùng công ty, nhưng sắp tới khả năng không ở gần nhau nữa”, Quỳnh nói.
Tìm được công việc mới, Quỳnh gọi về Việt Nam báo tin vui với mẹ. Song ở Nhật, cô gái trẻ vẫn thấp thỏm, nửa mừng, nửa lo vì chưa biết khi nào công ty gọi đi làm.
Quỳnh chia sẻ, hơn 2 tháng thất nghiệp, cô và những người Việt khác may mắn được nghiệp đoàn hỗ trợ, miễn phí nơi ăn chốn ở trong lúc tìm việc.
“Xin được việc nhưng tôi nửa mừng, nửa lo vì không được làm ở công ty cũ nữa. Không biết ở công ty mới có đối xử tốt như công ty cũ”, Quỳnh băn khoăn.
Cô gái quê Bắc Giang thở dài, mới thất nghiệp hơn 2 tháng mà “cảm tưởng dài như cả năm”. Từ sau trận động đất, Quỳnh và đồng nghiệp sống nhờ khoản tiền trợ cấp từ công ty cũ, 2 tháng đó cô và chị gái không gửi được đồng nào về quê.
“Nếu không thất nghiệp vì động đất, giờ này 3 chị em tôi đã trả được hết nợ cho mẹ. Như dù sao tôi cũng cảm thấy mình may mắn vì tìm được việc sớm trong khi nhiều người vẫn đang thất nghiệp”, Quỳnh nói.
Có chút lo lắng về công việc, chỗ làm mới, song cô gái trẻ tự trấn an bản thân cố gắng để thích nghi nhanh nhất có thể. Quỳnh hy vọng công việc mới sẽ thuận lợi để cuộc sống trở lại bình thường như trước.
Thoát cảnh xếp hàng đi tắm nhờ
Cách đây gần 1 tuần, chị Phan Thị Hiền (29 tuổi, quê Hải Dương) sống tại thành phố Wajima, tỉnh Ishikawa (Nhật Bản) nhảy cẫng lên khi chủ nhà báo tin xóm trọ đã được cấp nước trở lại.
“Gần tuần nay, tôi mới thoát khỏi cảnh xếp hàng đi tắm nhờ”, chị Hiền vui mừng.
Nữ thực tập sinh cho biết, sau trận động đất, khu vực chị sinh sống phải chịu ảnh hưởng nặng nề, suốt hơn 2 tháng không có nước. Trong lúc khó khăn, may mắn được quân đội hỗ trợ cho nước sinh hoạt.
“Hằng ngày, mọi người đến xếp hàng, lấy số thứ tự rồi chờ tới lượt để tắm. Giặt quần áo cũng đến lấy số, tôi thường tích trữ quần áo một tuần mới đi giặt một lần.
Chỗ tắm gần nhà, còn chỗ lấy nước sinh hoạt phải đi bộ hơn 1km. Nước uống chúng tôi chung nhau tiền mua ngoài siêu thị về uống”, chị Hiền nhớ lại.
16h chiều, sau khi tan làm, chị Hiền vội vàng về phòng lấy quần áo chạy tới chỗ tắm để xếp hàng. Có lần, người phụ nữ chờ gần 2 tiếng mới đến lượt do người đông còn diện tích phòng tắm lại bé.
“Đi làm về rất mệt, nhiều bữa chỉ muốn về nhà nghỉ ngơi nhưng vẫn phải cố để được tắm”, nữ thực tập sinh chia sẻ và hy vọng chuyện này không bao giờ gặp lại.
Từ ngày có nước, cuộc sống của chị Hiền cũng dần ổn định, người phụ nữ gọi về báo cho gia đình, người thân ở Việt Nam để họ bớt lo lắng.
Chị là một trong số 7 người Việt từng mắc kẹt sau trận động đất và được giải cứu. Người phụ nữ quê Hải Dương sang Nhật hồi tháng 10/2023, mất 1 tháng học ở nghiệp đoàn, chị chính thức đi làm được 1 tháng thì trận động đất xảy ra. Tuy nguy hiểm đã qua nhưng khi nghĩ lại khoảng thời gian đó, chị không khỏi rùng mình.
“Tôi nghỉ làm mất hơn 1 tháng và mới đi làm trở lại. Lúc bị mắc kẹt, tôi và những người khác nghĩ chắc không sống nổi, đến giờ vẫn còn sống là một niềm may mắn. Do đó, hơn 2 tháng qua dù khó khăn nhưng mọi người động viên nhau vượt qua”, chị Hiền chia sẻ.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm