Đây là câu hỏi về chủ đề lương hưu của chị Đào Thị Hồng (người lao động ở TP.HCM), bạn đọc Báo Tin Tức Tuyển Dụng.
Theo luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM), theo điều 56 luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) 2014, mức hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động được tính = tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng x mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng = 45% x mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH (nếu đóng BHXH đủ 20 năm đối với lao động nam và 15 năm đối với lao động nữ). Sau đó, cứ thêm một năm đóng BHXH thì người lao động được hưởng thêm 2%, tối đa hưởng 75%.
Tính lương hưu của người làm cho nhà nước
Hiện nay cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm ở các cơ quan, đơn vị nhà nước sẽ hưởng lương cơ sở. Đây sẽ là căn cứ tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Hiện lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng.
Căn cứ theo điều 62 luật BHXH 2014, được hướng dẫn bởi điều 9 Nghị định 115 năm 2015 của Chính phủ, nếu người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng BHXH trước khi nghỉ hưu như sau:
- Tham gia BHXH trước ngày 1.1.1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
- Tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1.1.1995 đến 31.12.2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
- Tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1.1.2001 đến 31.12.2006 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
- Tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1.1.2007 đến 31.12.2015 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
- Tham gia BHXH từ ngày 1.1.2016 đến 31.12.2019 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
- Tham gia BHXH từ ngày 1.1.2020 đến 31.12.2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
- Tham gia BHXH từ ngày 1.1.2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.
Tính lương hưu của lao động tư nhân
Trong khi đó, người lao động làm việc cho tư nhân sẽ hưởng lương tối thiểu vùng. Hiện nay ở TP.HCM, vùng 1 có lương tối thiểu vùng là 4,68 triệu đồng/tháng.
Mức lương hưu của người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định (làm cho tư nhân) thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.
Nếu người lao động vừa có thời gian đóng BHXH theo lương nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH ở doanh nghiệp tư nhân thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH chung của các thời gian.
Trong đó, thời gian đóng theo lương nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH theo quy định về thời gian tham gia như nêu trên.
Về mức hưởng, lao động nữ nghỉ hưu năm 2024 nếu đóng 20 năm BHXH thì lương hưu hằng tháng bằng 55% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH; hưởng tối đa 75% nếu đóng đủ 30 năm.
Lao động nam nghỉ hưu năm 2024 nếu đóng đủ 20 năm BHXH thì lương hưu hằng tháng bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH; hưởng tối đa 75% nếu đóng đủ 35 năm.
Lương hưu của khối nhà nước cao hơn?
Luật sư Trương Văn Tuấn cho rằng chưa thể đánh giá được liệu làm nhà nước lương hưu có cao hơn lương hưu của người lao động tư nhân hay không, nói cách khác là chưa thể khẳng định cách tính nào có lợi hơn.
Bởi lương khởi điểm của cán bộ, công chức nhà nước thường rất thấp và thấp hơn nhiều so với lương tối thiểu là 4,68 triệu đồng của người lao động tại doanh nghiệp tư nhân.
Ngoài ra, mức lương tại môi trường nhà nước không thể tăng lên đột ngột, thay vào đó 3 năm mới có thể điều chỉnh một lần. Do đó, việc lương hưu được tính bình quân những năm cuối sự nghiệp (những năm có mức lương gần như cao nhất) là có cơ sở.
Trái với môi trường nhà nước, mức lương tại các doanh nghiệp tư nhân dựa trên sự thỏa thuận của các bên. Lương cao, thấp theo cơ chế thị trường, nên có trường hợp thời điểm này lương rất cao nhưng thời điểm khác thì lương rất thấp. Vì vậy, lương hưu tính bình quân tất cả các năm cũng có tính hợp lý.
Tuy vậy, để giảm thiểu sự khác biệt giữa hai môi trường, các cơ quan chuyên môn cũng cần nghiên cứu, điều chỉnh các văn bản pháp luật liên quan nhằm tăng tính công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng đóng BHXH. Từ đó, tạo điều kiện cho mọi người dân gắn bó lâu dài với hệ thống BHXH.
Dự kiến từ ngày 1.7, mức lương cơ sở sẽ được bãi bỏ. Chính phủ sẽ có hướng dẫn cụ thể để tính mức hưởng lương hưu tối thiểu.
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h