Dịp trước và sau Tết Nguyên đán, nhu cầu nhung hươu tăng cao cũng là thời điểm người dân Hương Sơn (Hà Tĩnh) thu hoạch lộc nhung sau một năm chăm sóc đàn hươu.
Dịch vụ cắt lộc nhung thuê dần hình thành theo mùa thu hoạch. Nghề “ăn theo” này kéo dài từ trước Tết Nguyên đán đến tháng 3, giúp những người thợ cắt kiếm bộn tiền.
Gia đình ông Nguyễn Xuân Nga (63 tuổi, trú tại thôn Hồng Hà, xã Tân Mỹ Hà, Hương Sơn) là hộ có nhiều năm kinh nghiệm nuôi hươu sao lấy lộc nhung. Sau Tết Nguyên đán 2024, một chú hươu đực của ông đến kỳ thu hoạch, đã có khách đến tận nhà mua.
Trước đây, ông thường nhờ họ hàng hoặc hàng xóm sang hỗ trợ để cắt được cặp sừng trên đầu chú hươu.
“Theo thông lệ lâu nay, mọi người giúp xong, gia đình sẽ mời ở lại dùng cơm, uống chén rượu để cảm ơn. Giờ có dịch vụ, chỉ cần nhấc điện thoại là có nhóm thợ cắt lộc nhung tới thu hoạch giúp. Cách này vừa tiết kiệm vừa nhanh gọn”, ông Nga chia sẻ.
Sau cuộc điện thoại của ông Nga, ít phút sau, nhóm thợ 4 người của ông Phạm Đồng (58 tuổi, trú tại xã Tân Mỹ Hà) chạy xe máy tới để cưa sừng hươu.
Nhóm thợ mang theo những đồ nghề đơn giản, gồm: dây buộc làm từ cây chuối khô và lá rừng băm giã nhuyễn để cầm máu ở vị trí hươu bị thương khi cắt lộc nhung; sào tre dài khoảng 2,5m, đầu gắn với dây thừng thòng lọng để bẫy hươu; một lưỡi cưa; một miếng ván có đóng vòm thép để cố định đầu hươu trong quá trình cắt.
Sau khi gia chủ chỉ chú hươu, nhóm của ông Đồng bắt tay vào việc. Một người dùng sào tre gắn dây thòng lọng khua dưới nền. Khi hươu sa vào bẫy, 3 người lập tức xô tới vật ngã, trói chân, ghì chặt con vật. Sau khi cố định đầu hươu, người còn lại dùng cưa nhẹ nhàng cắt từng chiếc sừng.
Cắt xong bộ lộc nhung, một người dùng nắm lá rừng xay nhuyễn đắp lên vị trí cặp sừng vừa cắt xong trên đầu chú hươu và dùng lá chuối khô buộc lại để cầm máu cho con vật.
Tất cả các công đoạn chỉ khoảng 10 phút.
Vào chính vụ, đội quân “cưa sừng” rong ruổi xe máy, ai gọi là nhận việc. Mỗi 10 phút hành nghề, nhóm nhận công 200.000-250.000 đồng. Trung bình mỗi ngày có thể cưa được 10 cặp sừng, nhóm thợ có thu nhập tiền triệu.
Theo ông Đồng, ở thủ phủ nhung hươu Hương Sơn, không chỉ có nhóm của ông làm dịch vụ này mà các xã có đàn hươu lớn đều có thợ cưa sừng.
Thông thường, đội quân này có 3 người, nhưng cũng có nhóm lên tới 5 người. Thành viên trong nhóm phải đạt tiêu chuẩn về sức khỏe, sự nhanh nhẹn và kỹ năng.
Bởi con hươu rất khỏe. Quá trình cắt lộc nhung đòi hỏi người làm phải thực hiện nhanh gọn, bắt đầu từ việc vật ngã hươu để con vật không bị thương và gãy sừng. Sau đó, người thợ cũng phải có kỹ năng, kinh nghiệm cưa cắt đúng vị trí phù hợp, vừa tối đa phần lộc nhung thu được, vừa tránh làm mất máu nhiều, ảnh hưởng tới vật nuôi.
“Nghề này dễ kiếm tiền nhưng chỉ chút sơ suất, làm hươu bị gãy chân hoặc đâm đầu vào chuồng, chấn động thần kinh là vật nuôi dễ chết. Khi đó, số tiền đền cho chủ hươu có khi đến hàng chục triệu đồng. Nhưng với người làm chuyên nghiệp, tỷ lệ sự cố rất hiếm khi xảy ra”, ông Đồng chia sẻ thêm.
Hương Sơn lây nay được biết đến là “thủ phủ” của nghề nuôi hươu lấy nhung. Từ những năm 1990 đến nay, hươu trở thành vật nuôi chủ lực, giúp người dân địa phương phát triển kinh tế.
Theo lãnh đạo huyện Hương Sơn, toàn huyện hiện có hơn 44.500 con hươu.
Riêng Tết Nguyên đán 2024, có khoảng 21.000 con cho lộc nhung, sản lượng ước tính gần 19 tấn. Với giá bán khoảng 11 triệu đồng/kg, thu nhập của người dân toàn huyện Hương Sơn ước đạt trên 200 tỷ đồng từ việc nuôi hươu lấy lộc.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm