Vì sao đa số học sinh không muốn đi học nghề?
Sáng 14/11, Ban Chỉ đạo Chương trình số 06 của Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Hoàng Thành Thái, cho biết chính sách phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS của Chính phủ nói chung và của thành phố nói riêng đã có thay đổi tích cực.
Chính sách này đã cung cấp cho học sinh và phụ huynh những kiến thức để lựa chọn hướng đi tương lai phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và lực học. Chính sách này cũng nêu bật lên những xu hướng phát triển của xã hội và thị trường lao động thời gian tới.
Dù vậy, lãnh đạo Sở LĐTB&XH nhìn nhận công tác tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đạt được kết quả như mong muốn. Tâm lý trọng bằng cấp vẫn phổ biến, đa số học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đều đặt mục tiêu vào đại học, không muốn đi học nghề…
Tham gia thảo luận, bà Trịnh Thị Thu Hà, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội, nêu vấn đề tuyển sinh cao đẳng chưa được đưa vào hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên số lượng các thí sinh có nguyện vọng đăng ký vào các trường cao đẳng giảm theo từng năm.
“Ngân sách dành cho công tác tuyển sinh ngày càng hạn hẹp vì các trường tự chủ, học phí đến năm thứ 4 không được tăng”, bà Hà nêu khó khăn.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội, các hoạt động quảng bá, tư vấn tuyển sinh mới được thực hiện theo mùa vụ, thiếu tính thường xuyên, chuyên nghiệp.
Trường không có kinh phí để xây dựng nền tảng số phục vụ công tác tuyển sinh nên hiệu quả không cao; không đáp ứng được yêu cầu của xã hội; không đáp ứng được chủ trương đa dạng hóa hình thức đào tạo…
Tiếp đó, tâm lý e ngại học nghề khó kiếm việc làm, việc làm vất vả, lương thấp cũng là nguyên nhân khiến tuyển sinh học nghề khó khăn.
Từ các vấn đề trên, bà Hà kiến nghị thành phố quan tâm tuyên truyền sâu rộng nâng cao nhận thức về học nghề, hướng nghiệp hiệu quả có sự tham gia trực tiếp của các trường nghề tại các trường THPT.
Đồng thời, đại diện trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội đề nghị các cơ quan chức năng cần bố trí kinh phí cho các trường đầu tư xây dựng số hóa trong công tác tuyển sinh, đào tạo; có cơ chế vinh danh, khen thưởng đối với các doanh nghiệp khi tham gia hỗ trợ, hợp tác với các trường…
Cần tập trung đầu tư cho giáo dục nghề
Sau khi lắng nghe thêm một số ý kiến trao đổi từ đại diện các trường cao đẳng, trường nghề khác, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, nhấn mạnh, phát triển của Thủ đô trong giai đoạn tới cần được đẩy mạnh trên 3 trụ cột quan trọng gồm: Văn hiến, văn hóa; nguồn nhân lực chất lượng cao; đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và chuyển đổi số.
Nói về Chương trình số 06, ông Phong cho rằng việc đầu tư cho lĩnh vực giáo dục thời gian qua của thành phố mới chỉ dừng lại ở giáo dục phổ thông, trường Đại học Thủ đô, trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong. Giáo dục nghề nghiệp liên quan trực tiếp đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thủ đô nhưng chưa được đầu tư thỏa đáng, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đơn vị cần phải thay đổi nhận thức về giáo dục nghề nghiệp, giáo dục phổ thông hình thành để phân luồng học sinh từ sớm. Cần sớm có quy hoạch mạng lưới các trường nghề theo đúng định hướng của thành phố giai đoạn 2030-2045.
Ông Phong nhấn mạnh hệ thống trường nghề có vai trò quan trọng trong đào tạo nghề, bổ cập kiến thức nghề và đào tạo nghề ngắn hạn, phục vụ nhu cầu của xã hội.
Do vậy, thành phố cần sớm tháo gỡ những khó khăn cho các nhà trường khi thực hiện tự chủ tài chính; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề chất lượng cao; đồng thời xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ giảng viên tại các trường nghề…
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm