

Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
by admin
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
by admin
Tuyển sinh tăng 12% nhưng còn lo lắng
Ngày 9/8, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM tổ chức hội nghị Sơ kết công tác GDNN trên địa bàn Thành phố 7 tháng đầu năm 2024.
Khoảng 200 đại biểu đến từ các trường nghề trên địa bàn thành phố tham dự hội nghị (Ảnh: Tùng Nguyên).
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TPHCM, trong 7 tháng đầu năm 2024, các cơ sở GDNN trên địa bàn Thành phố đã tuyển sinh được 134.151 người học; bao gồm: 4.624 sinh viên cao đẳng, 3.821 học sinh trung cấp, 125.706 học viên sơ cấp và đào tạo thường xuyên.
So với cùng kỳ năm 2023, kết quả tuyển sinh tăng 12%. Tuy nhiên, so với chỉ tiêu năm 2024, kết quả tuyển sinh các trình độ GDNN mới đạt hơn 42,58%.
Theo ông Nguyễn Chí Thành, Trường phòng GDNN (Sở LĐ-TB&XH TPHCM), dù tổng thể kết quả tuyển sinh các hệ đào tạo của các cơ sở GDNN vượt 12% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng các nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng chiếm tỉ trọng lớn, các trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm tỉ trọng thấp.
Ông Nguyễn Chí Thành cho biết: “7 tháng đầu năm là thời điểm tuyển sinh của các trường đại học, các trường trung học phổ thông ngoài công lập nên việc các cơ sở GDNN bị cạnh tranh và kết quả tuyển sinh các trình độ cao đẳng, trung cấp thấp là điều khó tránh khỏi.
Đặc biệt, thông tin của các cơ sở GDNN không có trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và phụ huynh không có điều kiện để tiếp cận, tìm hiểu hoặc tạo ra tâm lý băn khoăn về chất lượng của các cơ sở GDNN”.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác dẫn đến công tác tuyển sinh chưa tốt là còn có đơn vị thực hiện công tác tuyển sinh không hiệu quả, chưa thu hút người học; có đơn vị không thực hiện việc cập nhật báo cáo trên hệ thống thông tin điện tử nên số liệu chưa phản ánh đầy đủ kết quả tuyển sinh…
Công tác tuyển sinh tại các trường nghề vẫn còn nhiều khó khăn (Ảnh minh họa: Tùng Nguyên).
Tại hội nghị, ông Trần Văn Tú, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM, cũng thông tin tình hình tuyển sinh của trường không có nhiều thay đổi tích cực. Theo đó, chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm 2024 là 3.030 sinh viên, đến nay mới tuyển sinh đạt 60% chỉ tiêu.
Theo ông Trần Văn Tú, khó khăn trong công tác tuyển sinh của Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM cũng là khó khăn chung của các trường khối cao đẳng, trung cấp. Nguyên nhân chính là phần lớn người dân còn nặng tâm lý phải cho con học đại học, chưa hiểu hết về hệ GDNN, học nghề nên các trường nghề rất khó phát triển tuyển sinh.
Một nguyên nhân khác là 2 năm nay, Bộ GD-ĐT giao quyền cho các trường đại học tự xác định chỉ tiêu nên chỉ tiêu của từng trường rất lớn, hầu như đã tuyển hết học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông.
Ông Trần Văn Tú cũng đánh giá công tác truyền thông về GDNN hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, để cho người dân hiểu đúng về GDNN rất khó, phụ huynh vẫn e ngại khi lựa chọn cho con học trường nghề.
Phải tăng cường truyền thông
Tại hội nghị, đại biểu các đơn vị tham gia thảo luận nhiều nội dung khác như thuận lợi và khó khăn trong công tác đào tạo đối tượng đặc thù, bộ đội xuất ngũ, lao động thất nghiệp; công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; công tác kiểm định và đánh giá chất lượng cơ sở GDNN, chương trình đào tạo…
Các đại biểu thảo luận nhiều nội dung quan trọng (Ảnh: Tùng Nguyên).
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, đánh giá công tác tuyển sinh cao hơn 12% so với cùng kỳ năm 2023 là tín hiệu phấn khởi cho việc hoàn thành chỉ tiêu vào cuối năm.
“Tuy vậy, vẫn còn tiềm ẩn nhiều lo lắng khi trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp có kết quả tuyển sinh còn thấp. Điều này được nhận diện từ yếu tố khách quan nhưng các yếu tố chủ quan của các cơ sở GDNN cũng cần được quan tâm cải thiện trong thời gian 5 tháng còn lại của năm 2024”, ông Lê Văn Thinh nhấn mạnh.
Ông Thinh nhắc đến những hạn chế của hệ thống GDNN hiện nay như còn có vi phạm hành chính trong lĩnh vực GDNN, công tác kiểm định chất lượng GDNN chưa được nhiều cơ sở quan tâm thực hiện…
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, chi đạo tại hội nghị (Ảnh: Tùng Nguyên).
Để hoạt động GDNN thời gian tới ổn định, phát triển hơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM Lê Văn Thinh đề nghị các đơn vị quan tâm triển khai thực hiện 8 nội dung quan trọng.
Đầu tiên, ông đề nghị các trường phải tập trung rà soát, chấn chỉnh các thiếu sót trong quá trình tổ chức hoạt động đào tạo, không vi phạm các hành vi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GDNN.
Nội dung quan trọng thứ 2 mà ông Lê Văn Thinh nhắc đến là các trường phải tìm kiếm, chủ động áp dụng các phương thức tuyển sinh hiệu quả hơn; phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí để đưa thông tin đến với xã hội về ngành nghề đào tạo, cơ hội việc làm trong nước và ngoài nước, cơ hội học tập ở trình độ cao hơn…
Ngoài ra, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đề nghị các trường thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo như: Đa dạng hóa, linh hoạt hóa các hình thức đào tạo để người học có thể đăng ký học theo nhu cầu; tăng cường phối hợp với doanh nghiệp trong quá trình tổ chức hoạt động đào tạo; phát triển các chương trình đào tạo theo hướng mở, liên thông giữa các trình độ…
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
by admin
“Ong dú hay còn gọi là ong rú. Loài ong này không ngòi đốt, có kích thước nhỏ hơn ong ruồi, không đốt, không gây nguy hiểm cho người nuôi. Đặc biệt mật của ong dú có 3 vị là ngọt, chua và đắng”, anh Nguyễn Văn Khương (ở thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) chủ trại hơn 400 tổ ong dú chia sẻ.
Anh Khương cho biết 6 năm trước anh bắt đầu thử nuôi ong ruồi để lấy mật, bán thương phẩm. Tuy nhiên loài ong này tốn công chăm sóc, đôi lúc lại đốt các cháu nhỏ nên anh tìm hướng đi mới.
Anh Khương giới thiệu mật ong dú của trang trại mình (Ảnh: Trung Thi).
Năm 2019, anh Khương đến nhà một “thợ rừng” cùng quê chơi và vô tình biết đến “loài ong lạ” nên đã xin chủ của tổ ong tách đàn đưa về nhà nuôi, tìm hiểu.
Qua theo dõi, anh Khương thấy đàn ong này không có ngòi đốt, ít công chăm sóc, mật bổ dưỡng.
“Loài ong này không phải cho ăn, chăm sóc gì nhiều. Chỉ chờ đến mùa hoa, ong tích đủ mật thì mình hút đi một phần bán, chừa lại một ít trong tổ cho đàn sinh trưởng, phát triển. Điểm hạn chế của ông dú là cho rất ít mật, một tổ chỉ cho khoảng 200-500ml mật/năm. Tôi nghĩ chỉ cần nuôi nhiều sẽ giải quyết được hạn chế này”, anh Khương chia sẻ.
Để nhân giống đàn ong, anh Khương tự bỏ công và thuê thêm người lên các cánh rừng ở huyện Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên) tìm bắt tổ ong dú đưa về nhà nuôi.
Ong dú, loài ong có kích thước nhỏ, không có ngòi đốt (Ảnh: Trung Thi).
Ong dú thường ở trong các loại cây khô, mục, do đó mỗi lần lấy mật phải cưa đục thân cây, vừa mất công lại có nguy cơ làm hư hại đàn ong.
Sau nhiều lần suy nghĩ, anh Khương thử chẻ đôi thân cây để bắt ong dú chúa bỏ vào hộp gỗ, tiếp đó đưa ong thợ vào cùng. Mỗi hộp được chia làm hai ngăn, một ngăn để ong sinh sản, sinh trưởng và ngăn để tạo mật.
“Quan sát nhiều ngày tôi thấy ong vẫn sống tốt trong hộp gỗ, không bỏ đi tìm tổ mới nên biết mình đã thành công. Sau đó, tất cả tổ ong dú tôi bắt được trên rừng đều đưa sang hộp gỗ. Ong ở trong hộp vừa dễ chăm nuôi, vừa thuận tiện cho việc lấy mật”, anh Khương kể.
Sau 5 năm, đến nay anh Khương đã sở hữu cho mình trang trại hơn 400 tổ ong dú, nhờ vào việc tách đàn. Bình quân mỗi năm anh thu khoảng 100 lít mật, giá bán ra thị trường 1,5 triệu đồng/lít. Trừ tất cả chi phí, gia đình anh thu lãi khoảng 100 triệu đồng/năm.
Ngoài bán mật, anh Khương còn bán ong dú theo hộp để trưng phong thủy, nuôi làm giống. Tùy đàn ong lớn, nhỏ cho mật nhiều hay ít mà có mức giá khác nhau, thường 1,5-2 triệu đồng/tổ. Tiền bán giống giúp anh thu thêm được khoảng 50 triệu đồng/năm.
Bên trong một tổ ong dú tại trang trại của anh Khương (Ảnh: Trung Thi).
“Nhiều người ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định vào tận đây để tìm hiểu, mua giống về nuôi. Họ đến, tôi đều hỗ trợ, chia sẻ những kinh nghiệm mà mình biết được về ong dú. Nhưng nuôi con gì cũng vậy, cần phải đam mê, chịu khó mới thành công”, anh Khương chia sẻ.
Năm 2023, sản phẩm mật ong dú của anh Nguyễn Văn Khương được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 (Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp giấy chứng nhận Nông nghiệp hữu cơ. Anh cũng đăng ký làm thủ tục truy xuất nguồn gốc, đóng hũ thành phẩm, làm nhãn hàng hóa.
Hiện anh Khương đang hoàn thiện hồ sơ để được xét công nhận OCOP 3 sao (chương trình mỗi địa phương một sản phẩm thế mạnh).
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2, cho biết đến nay, trang trại ong dú của anh Khương đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các loại hình nông nghiệp khác.
Cũng theo Phó Chủ tịch xã Xuân Quang 2, trong thời gian qua anh Khương đã hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong dú cho một số người dân địa phương với mong muốn cùng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và hình thành sản phẩm đặc trưng của Xuân Quang 2.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
by admin
Vào năm 2007, bà Vũ Thị Ngọc Tú (43 tuổi, ngụ TPHCM) ký hợp đồng lao động với Deutsche Bank AG chi nhánh TPHCM (một ngân hàng lớn có trụ sở tại Đức – PV) với vị trí làm việc là chuyên viên phòng dịch vụ lưu ký chứng khoán.
Trải qua nhiều năm làm việc tại ngân hàng, tháng 2/2015, người phụ nữ này được thăng ngạch lên làm trợ lý Phó Chủ tịch.
Bà Tú trong một chuyến công tác ở Thượng Hải. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Sau 14 năm làm việc tại Deutsche Bank AG chi nhánh TPHCM, cuối năm 2020, bà Tú nhận được thông báo doanh nghiệp này có chiến lược thay đổi cấu trúc, cắt giảm chi phí. Do đó, bà Tú sẽ bị cho thôi việc do vị trí bị dư thừa.
Ngày 16/11/2020, bà Tú nhận được yêu cầu nghỉ nguyên lương từ ngày 17/11/2020 cho đến khi Deutsche Bank Việt Nam có thông báo tiếp theo.
“Trong thời gian này, bị đơn đề nghị nguyên đơn không có mặt tại văn phòng, trụ sở của ngân hàng, tiếp cận tài liệu, tài sản hoặc hệ thống công nghệ thông tin của ngân hàng, liên hệ với bất cứ ai là người lao động, quản lý, nhà phân phối, nhà cung cấp, khách hàng hoặc nhà thầu của ngân hàng”, thông báo nêu rõ.
Ngày 31/12/2020, bà Tú nhận được thông báo, bị đơn sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với mình vào ngày 13/2/2021. Tại thời điểm này, mức lương của bà Tú là hơn 100 triệu đồng/tháng.
Tiếp đó, ngày 9/2/2021, phía ngân hàng quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với bà Tú. Đồng thời, nhà băng này cũng chi trả cho bà Tú 455 triệu đồng (số ngày chưa nghỉ phép năm, trợ cấp đào tạo…).
Sau khi nhận được quyết định cho thôi việc, bà Tú cho rằng trong cả quá trình làm việc đã luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, không có sai phạm hay bị kỷ luật. Bà trình bày với tòa, lý do thực chất bị mất việc là do tư thù cá nhân với phía sử dụng lao động chứ ngân hàng không tái cơ cấu.
Cho rằng phía ngân hàng đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật, bà Tú khởi kiện Deutsche Bank AG chi nhánh TPHCM ra TAND quận 1 yêu cầu bị đơn bồi thường 3,6 tỷ đồng cho những ngày không làm việc do hành vi đơn phương chấp dứt hợp đồng trái luật.
Đồng thời, người phụ nữ yêu cầu đơn vị sử dụng lao động phải nhận mình trở lại làm việc, trong trường hợp yêu cầu trên không được đáp ứng thì phải có nghĩa vụ bồi thường 34 tỷ đồng tiền tổn thất về danh dự, uy tín và tinh thần.
Bà Tú cho rằng mình bị chèn ép, cho thôi việc do bị chèn ép (Ảnh minh họa: AI).
Ngược lại, phía bị đơn khẳng định việc tái cơ cấu là có thật, việc xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động cũng như thực hiện thủ tục báo trước đã đúng quy định pháp luật.
Trong quá trình thực hiện, bị đơn đã tạo điều kiện để 2 bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, bà Tú không hợp tác mà có đơn tố cáo gửi tới nhiều cơ quan với các nội dung không liên quan tới tái cơ cấu và các nội dung tố cáo đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận là không có cơ sở.
Ngoài ra, phía ngân hàng cho rằng bà Tú không có tài liệu chứng minh việc bị thiệt hại trên thực tế nên đề nghị HĐXX không chấp nhận toàn bộ nội dung đơn khởi kiện của nguyên đơn.
Tháng 9 năm ngoái, TAND quận 1 mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên bác toàn bộ đơn khởi kiện của bà Tú.
Theo HĐXX cấp sơ thẩm, phía ngân hàng thực hiện tái cơ cấu nhằm tăng lợi nhuận là có thật, ngoài bà Tú còn có 2 lao động khác cũng bị mất việc. Trong quá trình giải quyết hợp đồng lao động, phía ngân hàng đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật hiện hành.
Về yêu cầu bồi thường 40 tỷ đồng, HĐXX cho rằng việc bị đơn tái cơ cấu không làm ảnh hưởng tới uy tín, danh dự, nhân phẩm của bà Tú. Mặt khác, nguyên đơn cũng không chứng minh được những thiệt hại thực tế xảy ra từ việc chấp dứt hợp đồng lao động.
Không đồng ý với phán quyết trên, bà Tú kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, theo hướng đề nghị tòa phúc thẩm chấp nhận toàn bộ đơn khởi kiện của mình.
Ngày 1/8, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử theo thủ tục phúc thẩm nhưng phải tạm hoãn. Thời gian mở lại phiên phúc thẩm được ấn định vào ngày 19/8 tới đây.
Chia sẻ với PV Dân trí, bà Tú giải thích muốn được quay trở lại làm việc vì bản thân rất yêu thích công việc và muốn cống hiến hết mình.
“Gần 4 năm qua là quãng thời gian rất khó khăn với tôi và gia đình, hành trình đi tìm công lý đầy gian nan, vụ án diễn ra quá lâu khiến tôi bị kiệt quệ về tài chính lẫn sức khỏe. Tôi bị mất bảo hiểm, vừa qua, tôi sinh em bé nhưng không có bảo hiểm chi trả nên khó khăn chồng khó khăn”, bà Tú cho biết.
Bên cạnh đó, nữ lao động mong phiên tòa phúc thẩm sắp tới, HĐXX sẽ xem xét toàn bộ nội dung vụ án một cách khách quan.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
by admin
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội mới ban hành Thông tư số 06/2024, có hiệu lực từ ngày 15/9/2024.
Thông tư này sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2016 hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Thông tư số 27/2016 hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Theo đó, thang lương, bảng lương, phụ cấp lương với người lao động trong Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (doanh nghiệp Nhà nước) được quy định tại Thông tư số 26/2016 được sửa đổi như sau:
Căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, công ty rà soát và quyết định việc tiếp tục duy trì hoặc sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, ban hành mới thang lương, bảng lương, phụ cấp lương (kèm theo tiêu chuẩn áp dụng), làm cơ sở để xếp lương, trả lương, và thực hiện các chế độ đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động.
Các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương do công ty quyết định. Tuy nhiên, việc này cần bảo đảm quỹ tiền lương xác định trên cơ sở tổng tiền lương trong năm của tất cả người lao động, tính theo các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương của công ty, không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch của người lao động.
Khi sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, ban hành mới thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Đồng thời, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định của Bộ luật Lao động, và các văn bản hướng dẫn thi hành. Báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu cho ý kiến, và công khai tại công ty trước khi thực hiện.
Trường hợp công ty lỗ hoặc không có lợi nhuận (sau khi đã loại trừ các yếu tố khách quan nếu có) thì mức tiền lương bình quân kế hoạch, được tính bằng mức tiền lương bình quân trong hợp đồng lao động.
Mức tiền lương bình quân trong hợp đồng lao động, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, và khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động, được quy định tại Thông tư số 10/2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về nội dung của hợp đồng lao động, Hội đồng thương lượng tập thể, và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con.
Các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến năng suất lao động, và lợi nhuận của công ty để loại trừ khi xác định tiền lương của người lao động, được quy định tại các Nghị định số 51/2016/NĐ-CP, và Nghị định số 52/2016/NĐ-CP quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
☀ 100% thông tin việc làm được xác thực và kiểm duyệt chặt chẽ
☀ Kết nối nhanh với nhà tuyển dụng, tìm kiếm việc làm dễ dàng
☀ Công cụ hỗ trợ đầy đủ với nhiều mẫu CV đẹp mắt, thông báo việc làm tiện lợi
☀ Tổng đài tư vấn dành riêng cho Người tìm việc
☀ Hàng triệu ứng viên chất lượng
☀ Thông tin hồ sơ ứng viên được kiểm duyệt chặt chẽ, phân loại xác thực theo số điện thoại
☀ Cam kết với chế độ bảo hành chất lượng tuyển dụng
☀ Chăm sóc và tư vấn 1 - 1 với chuyên viên tư vấn
Điền Email mai của bạn để nhận thông báo Việc Làm mới nhất từ Website của chúng tôi